Vẫn còn lạm dụng phân bón vô cơ
Trong trồng trọt, phân bón là thành phần quan trọng được sử dụng với một lượng lớn mỗi năm, góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học trong chăm sóc cây trồng cùng với hóa chất bảo vệ thực vật (các loại hóa chất diệt sâu, bệnh) đang khiến người nông dân và ngành Nông nghiệp phải đối mặt với các nguy cơ nông sản mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường đất, nước - tư liệu sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, so với 35 năm trước (1985 - 1986), lượng phân bón vô cơ sử dụng hiện nay ước tính gấp hơn 6 lần trong khi diện tích gieo trồng gấp 1,68 lần. Điều này cho thấy, thói quen sử dụng phân bón vô cơ đã hình thành trong nhiều thập kỷ qua, lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị diện tích gieo trồng đã tăng lên nhanh chóng trong suốt giai đoạn ngành nông nghiệp cần ưu tiên mục tiêu năng suất, sản lượng hơn chất lượng để bảo đảm an ninh lương thực.
Sự tiện lợi và tác dụng nhanh của phân bón vô cơ đến năng suất cây trồng đã làm tập quán sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống mai một dần do loại phân bón này tác dụng chậm trong khi lại cồng kềnh, không tiện dụng trong vận chuyển và sử dụng. Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, giai đoạn gần đây, phân bón hữu cơ đã được tăng cường sản xuất và sử dụng, tuy nhiên người dân sử dụng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, thói quen. Ngoài ra còn sử dụng theo hướng dẫn của người bán hàng, chưa được tập huấn bài bản về cách sử dụng theo các nguyên tắc đúng hay sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ cũng như ít cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả.
Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay tỷ lệ dinh dưỡng phân bón hữu cơ/vô cơ ước tính hiện đạt xấp xỉ 18/82, trong khi đó các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ lý tưởng cần đạt là 30/70. Do đó, việc Đề án “Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ. Qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ/hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Mở rộng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp
Vì vậy, việc sử dụng phân bón hữu cơ đang là hướng đi ngày càng được người sản xuất lựa chọn để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững.
Tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Đinh, Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh là đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa theo hướng hữu cơ. Một trong những ưu tiên lựa chọn của Công ty là phối hợp với Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang để đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất lúa.
Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Từ vụ xuân năm 2024, được sự cho phép và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đã sử dụng phân bón PAN để chăm sóc cho lúa với diện tích khảo nghiệm là 10,5ha cấy bằng các giống lúa VNR20, nếp Cô Tiên và nếp Ngọc Lam tại xã Liêm Hải (Trực Ninh). PAN là loại phân bón lá hữu cơ thế hệ mới được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ như: đạm cá, tro, trấu… Đặc biệt trong phân bón lá hữu cơ PAN có bổ sung các nguyên tố trung lượng can-xi và si-lic được chiết xuất bằng công nghệ nano, có chứa hàm lượng các chất hữu cơ cao (12%), nguyên tố vi lượng (Bo: 3.000ppm) và bổ sung các chất đa lượng NPK là thành phần thiết yếu giúp tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu sâu bệnh, từ đó cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả từ vụ xuân vừa qua cho thấy, các giống lúa sử dụng phân bón này đều có tỷ lệ nảy mầm cao, sức sống mầm tốt, độ đồng đều khá. Bộ rễ phát triển khoẻ mạnh, thân đứng, cứng cây, bộ lá cứng, ít dảnh vô hiệu, khả năng chống đổ khá nên mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ hơn so với ruộng đối chứng. Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ lá xanh, khỏe, dày cứng, tăng khả năng quang hợp, kích thích bộ rễ phát triển, tăng tốc độ đẻ nhánh, tăng số nhánh hữu hiệu và khả năng tích lũy chất khô, góp phần tăng năng suất lúa. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp giảm việc phát thải khí nhà kính, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Gia đình chị Nguyễn Thị Khoa, nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã mạnh dạn thuê gom, tích tụ ruộng đất nông nghiệp của các hộ dân trong vùng, đầu tư mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 3,5ha. Chị Khoa cho biết: “Qua tiếp cận với tài liệu về phát triển nông nghiệp hữu cơ và được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ, tôi thấy có nhiều lợi ích, nhu cầu thị trường về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều, tạo đầu ra ổn định, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn”. Sau khi hoàn thành khâu cải tạo, loại bỏ tồn dư hóa chất trong đất, chị trồng lúa bằng các giống Đài Thơm, BT7 kháng bạc lá theo quy trình sản xuất hữu cơ. Chị sử dụng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh để chăm sóc lúa; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt suốt vụ, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt trên 200 kg/sào. Toàn bộ lượng lúa thương phẩm được các doanh nghiệp thu mua với giá bán cao gấp 1,5 lần lúa đại trà.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Hữu cho biết: Thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu với tỉnh ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù để tạo động lực thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân thuê gom, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như sản xuất lúa Nhật, sản xuất gạo sạch, rau, củ, quả sạch, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Chủ động xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn sử dụng các loại phân hữu cơ cho lúa, cây rau màu; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về kỹ thuật sử dụng các loại phân hữu cơ trong gieo trồng cây lương thực, thực phẩm.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm các loại phân bón hữu cơ mới và tổ chức nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất cho người dân.