Chương trình đã góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo lập nền tảng hạ tầng cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cụ thể áp dụng trong doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng trên 6000 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 13.000 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%, đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện có khoảng 800 QCVN do 14 Bộ quản lý chuyên ngành/lĩnh vực ban hành.
Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông có nhiều thành công về năng suất, chất lượng.
Việc hệ thống TCVN với tỷ lệ hài hòa với quốc tế khá cao đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.
Hệ thống quy chuẩn quốc gia trở thành công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước, nhằm kiểm soát các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng các QCVN theo hướng QCVN quy định cụ thể biện pháp quản lý, bảo đảm không gây cản trở đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm. Do đó, hệ thống QCVN càng được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ Chương trình, có 58/63 địa phương đã có dự án năng suất chất lượng được phê duyệt. Một số địa phương không xây dựng dự án năng suất chất lượng riêng,nhưng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong khuôn khổ các Chương trình, đề án, dự án KH và CN. Thông qua đó, số doanh nghiệp được phổ biến, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng đã tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức tư vấn về năng suất chất lượng có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng có khả năng hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến hoạt động quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Chương trình cũng đã đổi mới về hình thức truyền thông, với chuyên mục riêng, phóng sự trên truyền hình; nội dung tập trung quảng bá, tôn vinh, chia sẻ về doanh nghiệp điển hình đã thành công trong việc tăng năng suất chất lượng; chuyên gia tư vấn cụ thể tại từng doanh nghiệp điển hình. Thông qua đó, lan tỏa đến các doanh nghiệp ý thức học hỏi, biết và chọn riêng cho mình công cụ quản lý nâng cao năng suất chất lượng; định hướng người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm nội địa, hiểu biết hơn về lựa chọn hàng hóa chất lượng hay kém chất lượng.
Khoa học công nghệ trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp
Trong khi đó, dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp là một trong 9 dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Sau 2 giai đoạn thực hiện, kết quả triển khai dự án đã có những tác động tích cực đối với hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp đã có một ước chuyển mình một cách rõ rệt nhờ áp dụng và ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật mới. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp kỹ thuật rất tốt và đưa ra quyết định kịp thời giúp công ty vượt qua khó khăn.