Thành phố Hà Nội hiện có hơn 170 dự án nhà tái định cư với hơn 14.200 căn hộ, trong đó có khoảng 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang. Ngoài ra, nhiều dự án có người dân về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 cũng bị bỏ hoang, lãng phí do không có người thuê.
Trong bối cảnh giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao, nhà ở xã hội lại khan hiếm thì đây được coi là một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung nhà ở.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thì cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí là do phần lớn dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt. Nhiều khu vực thiếu hạ tầng xã hội như trường học, chợ, bệnh viện. Ngoài ra, một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp, chưa hoàn thành nghiệm thu, nhất là các quy định về phòng cháy, chữa cháy... cho nên chưa thể bàn giao cho đơn vị quản lý.
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nêu quan điểm, bố trí tái định cư là chủ trương, chính sách đúng đắn, có điểm xuất phát nhân văn nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho các hộ gia đình đã phải “hy sinh” nơi ở của mình cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tại một số địa phương đã tạo ra những khu tái định cư bị bỏ hoang, trở thành “rác thải đô thị”; Nhiều dự án nhà ở tái định cư sau nhiều năm bị bỏ hoang đã biến thành nơi vứt rác, tập kết phế liệu tự phát, trồng rau..., tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội.
Ông Đỉnh thừa nhận, hiện nay, công tác bố trí tái định cư thực hiện chưa tốt, vị trí dự án tái định cư thường triển khai tại nơi cách xa khu vực có đất bị thu hồi và có hạ tầng kết nối chưa tốt, thiếu dịch vụ tiện ích, chất lượng xây dựng kém nên người dân không mặn mà, dẫn đến nhiều dự án tái định cư đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Người dân vốn ác cảm với nhà tái định cư bởi định kiến đó là sản phẩm chất lượng kém nên không sử dụng.
Theo ông Đỉnh, giải pháp tình thế để khắc phục tình trạng các dự án tái định cư đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước là cho phép chuyển đổi công năng, mục tiêu thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Đây là giải pháp thích hợp và cần thiết trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao như hiện nay.