Theo báo cáo mới nhất từ hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE, trong quý III/2024, đơn vị này cho biết thị trường BĐS Hà Nội ghi nhận hơn 75% tổng nguồn cung mới đến từ phân khúc cao cấp.
Các dự án này có mức giá khởi điểm từ 60 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và phí bảo trì.
Trong kỳ thị trường Hà Nội ghi nhận hai dự án mới được chào bán với mức giá dao động từ 55 - 60 triệu đồng/m2. Thậm chí, quận Tây Hồ còn ghi nhận một dự án hạng sang chào bán lên đến gần 200 triệu đồng/m2.
Diễn biến trên cũng được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận, theo đó tình trạng lệch pha trong nguồn cung sản phẩm nhà ở đang trở nên nghiêm trọng, dẫn đến sự kém đa dạng trên thị trường BĐS.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung thị trường vẫn phân hóa mạnh với 70% là căn hộ chung cư, trong đó, phân khúc cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2 và phân khúc hạng sang có giá trên 80 triệu đồng/m2 chiếm áp đảo với tỷ lệ lên đến 70%.
Thị trường "vắng bóng" hoàn toàn căn hộ thương mại giá bình dân, 100% nguồn cung căn hộ bình dân đến từ các dự án nhà ở xã hội.
Điều này đã khiến cho giá nhà tại Hà Nội ngày càng tiệm cận với TP.HCM. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị Nhà ở, CBRE Việt Nam - dự báo giá căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể chạm ngưỡng 66-67 triệu đồng/m2 vào cuối năm nay. Sang năm 2025, giá căn hộ Hà Nội được dự đoán tiếp tục tăng, ở mức giá cao hơn 3-5% so với TPHCM.
Về nguyên nhân tăng giá của căn hộ Hà Nội, ông Kiệt lý giải trong 3-5 năm trước, giá căn hộ Hà Nội thấp hơn trung bình 15-20% so với TPHCM. Tuy nhiên hiện tại, giá căn hộ Hà Nội đã tiệm cận với TPHCM.
Trong quý III, số liệu của đơn vị trên cho thấy giá căn hộ trung bình trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội đã đạt 64 triệu đồng/m2, tăng 26% theo năm. Còn tại TPHCM, giá đạt 66 triệu đồng/m2, cao hơn Hà Nội không đáng kể.
Bên cạnh đó, Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, tạo quỹ đất, dư địa mở rộng các đại đô thị lớn tập trung ở phía Tây và cả phía Đông Hà Nội.
“Với lượng sản phẩm dồi dào, cộng thêm các chủ đầu tư phía Nam cũng ra Bắc để tìm quy đất phát triển dự án, kéo theo cả các nhà đầu tư quen thuộc của họ, nên tạo ra nhu cầu rất lớn đối với thị trường Hà Nội trong một thời gian rất ngắn”, ông Kiệt cho hay.
Làm gì để kéo giảm giá nhà?
Theo giới chuyên gia, sự mất cân đối cung cầu giữa các phân khúc bất động sản là nguyên nhân khiến giá nhà cứ tăng mãi, thậm chí, giá còn bị đẩy lên cao một cách phi lý, vượt khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình.
Nhìn nhận về thực trạng này, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra cảnh báo rằng, nếu tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung các phân khúc trên thị trường tiếp tục tiếp diễn mà không có sự can thiệp kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Hệ lụy không chỉ ảnh hưởng tới thị trường BĐS mà còn gây ra những bất ổn về mặt xã hội, khi nhu cầu an cư của người dân không được đáp ứng.
Từ thực tế này, ông Đính khuyến nghị các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra các biện pháp để "khơi thông" đường phát triển cho phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đưa ra nhận định, người dân có nhu cầu thật lúc nào cũng sẵn sàng "xuống tiền" để mua nhà ở, cho dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là cần làm sao để đảm bảo giá nhà phải hợp lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản - chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cũng cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Hiện tại, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa đáng kể, chủ yếu thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng nhưng vẫn cố giữ giá cao. Để kéo giảm giá BĐS, ông Lê Hoàng Châu đề nghị, các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng niềm tin thị trường, qua đó, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.
"Thực tế thị trường bất động sản hiện nay đang rất cần nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Song, phần lớn các dự án nhà ở hiện nay đều nằm trong phân khúc trung và cao cấp, từ 30 triệu đồng/m2 trở lên. Do đó, phải có cơ chế hỗ trợ cho các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền. Nhà nước cần tiếp tục rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài thì chi phí xây dựng càng đội lên cao; chi phí được tính vào giá thành; thủ tục hành chính càng rút ngắn thì mới mong giảm được giá nhà ở cho người dân" - ông Châu phân tích.