Theo DKRA, trong quý I/2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại TP.Đà Nẵng và vùng phụ cận gần như mất thanh khoản, không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý nguyên nhân chủ yếu do những tồn đọng chưa được giải quyết triệt để (như pháp lý dự án, tiến độ thi công,…). Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho là sản phẩm cao cấp giá trị lớn cũng khiến thanh khoản gặp khó.
Cụ thể, trong quý I vừa qua, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đón nhận nguồn cung sơ cấp tiếp tục xu hướng giảm, xấp xỉ 5% so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu ở những dự án cũ.
3 tháng đầu năm, thị trường chỉ đón nhận nguồn cung sơ cấp tại 9 dự án (không có dự án mới) với 234 căn và không ghi nhận lượng tiêu thụ trong quý.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ năm trước và vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, các chính sách chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,… vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản.
Tương tự, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong quý I vừa qua đón nhận nguồn cung sơ cấp ở mức thấp và chủ yếu đến từ dự án cũ.
Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ, mức giá chào bán hiện tại dao động từ 7.1 - 16.3 tỷ đồng/căn. Riêng thị trường thứ cấp tiếp tục ảm đạm, không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Đối với phân khúc Condotel, nguồn cung mới tăng nhẹ 2% với cùng kỳ lên 677 căn đến từ 8 dự án cũ. Tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng tiếp tục là những địa phương dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 93% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Sức cầu thị trường ở mức thấp, thanh khoản chững lại và không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng khu vực miền Trung duy trì ở mức thấp, gần như không có dự án mới ra mắt, thanh khoản thấp. Ở quy mô cả nước, phân khúc này có khoảng 160 giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 2%.
Ông Trần Trọng Vũ, Đồng sáng lập Công ty SPE.R, đơn vị nghiên cứu và khảo sát thị trường bất động sản miền Trung, nhìn nhận phân khúc nghỉ dưỡng rơi vào bế tắc vì khách hàng đã mất niềm tin vào năng lực xây dựng, vận hành và cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư.
Ông Vũ cho biết tình cảnh dự án chậm triển khai, trễ bàn giao đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Có dự án nghỉ dưỡng ở Hội An, Quảng Nam ra mắt thị trường từ năm 2019 với mức cam kết lợi nhuận cho khách hàng khoảng 8% một năm. Đến nay, dự án mới bắt đầu mở bán, còn mức cam kết cũ " gần như không thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay". Ông Vũ nói, lợi nhuận ròng từ việc khai thác, vận hành một sản phẩm nghỉ dưỡng chỉ khoảng 1,8-2,7%, hiếm có dự án nào trên 5%, chưa kể nhiều dự án không có lợi nhuận.
Ông Trần Trọng Vũ cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không còn là tài sản đầu tư hấp dẫn tại Đà Nẵng. Thị trường này đang "sống dựa vào các sản phẩm ở thực như chung cư hay bất động sản dòng tiền". Một số dự án chung cư mở bán thời gian qua với giá từ 27 triệu đồng mỗi m2 được hấp thụ khá tốt.
Ngoài ra, niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại, nhiều nhà đầu tư quay lưng với thị trường do lo ngại pháp lý và hiệu quả khai thác thu hồi lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh du lịch vẫn còn nhiều khó khăn.
Các chuyên gia dự báo bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực Đà Nẵng tiếp tục ảm đạm kéo dài khi cả nguồn cung và niềm tin thị trường khó cải thiện trong ngắn hạn. Năm nay thị trường này có thể không có thêm dự án mới ra mắt.