Sau giai đoạn phục hồi ngắn đầu năm nay, đất nền khu vực phía Nam có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt với cả giao dịch và nhu cầu tìm kiếm. Lượt tìm kiếm có xu hướng đi ngang, giao dịch giảm xuống. Quan sát thị trường cho thấy, ở rổ hàng sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) tiếp tục giảm, tỷ lệ hấp thụ chưa đến 10%. Một số ít dự án mạnh dạn mở bán thời gian qua phần nhiều để tạo tiếng vang, còn giao dịch thực tế vẫn kém, không như kỳ vọng.
Tại TP.HCM, các dự án phân lô bán nền cũng bắt đầu xuất hiện trở lại, như Dự án River Town, có tổng diện tích 2 ha, với 115 lô đất nền diện tích 80 - 120 m2 tại huyện Củ Chi, giá bán từ 1,3 tới hơn 2 tỷ đồng/nền.
Cũng tại huyện Củ Chi, dự án đất nền thuộc khu dân cư Tân Phú Trung đang được mở bán 96 nền, diện tích từ 100 tới 200 m2/nền, giá bán trên 3 tỷ đồng/nền.
Hay như Dự án Tân Uyên Central Point tại thị xã Tân Uyên, có diện tích 40.937,8 m2, gồm 225 nền, diện tích từ 70 tới 170 m2, do Công ty TNHH Thương mại bất động sản Dương Tiến Phát làm chủ đầu tư, giá bán được đưa ra trên 2 tỷ đồng/nền.
Ngoài ra, còn hàng chục dự án khác như Khu dân cư PVD Bình Chuẩn (Bình Dương), Khu đô thị Phúc Đạt Gold City (Bình Dương), nhà phố thương mại New Land Bàu Bàng, đất nền Luxcity Thủ Dầu Một… cũng đang được mở bán.
Chia sẻ về hoạt động bán hàng 3 tháng gần đây, giám đốc một công ty bất động sản tại Bến Cát, Bình Dương, thừa nhận đất nền bán rất chậm, khó tiêu thụ hơn so với cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Ông cho biết đang bán dự án đất nền quy mô dưới 100 sản phẩm. Quý I giao dịch được 22 nền, sang quý II tính đến hết tháng 6 mới bán được thêm 11 nền.
"Doanh nghiệp đã tổ chức khá nhiều hoạt động kích cầu, cả những chương trình tọa đàm, nhận diện tiềm năng thị trường kèm theo chính sách thanh toán, chiết khấu bán hàng nhưng giao dịch vẫn không bằng các tháng đầu năm", ông nói.
Vì sao nhà đầu tư hờ hững với đất nền phía Nam?
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan, cho rằng đất nền sau giai đoạn phục hồi ngắn đầu năm nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt với cả giao dịch và nhu cầu tìm kiếm. Lượt tìm kiếm có xu hướng đi ngang, nhưng theo ghi nhận từ nhiều đơn vị môi giới đất nền thì giao dịch giảm xuống.
Bàn về nguyên nhân, theo ông Tuấn, đất nền có cải thiện trong quý I chủ yếu vì sự xuất hiện của nhóm đầu tư tận dụng cơ hội đón đầu Luật đất đai vừa thông qua. Còn trên thực tế, nhu cầu mua từ nhóm khách hàng cá nhân chưa có tăng trưởng. Bên cạnh đó, khi thanh khoản có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I, nhiều chủ đất bắt đầu điều chỉnh giá bán hoặc găm hàng, không muốn đẩy hàng ra. Nhóm mua đầu tư cảm thấy lợi nhuận chưa hấp dẫn nên chọn tiếp tục chờ đợi thay vì xuống tiền. Thị trường mất đi nhóm mua chính, kéo theo giao dịch đi xuống.
Thêm một nguyên nhân khác là do, trong thời gian thị trường sôi động năm 2019 - 2020, nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư phân khúc đất nền, tuy nhiên tới nay đang mắc kẹt dòng tiền tại đây vì chưa thể thoát hàng. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đã quay lưng lại với phân khúc này.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đông Tây Group cho biết, xu hướng thị trường được xác định từ nhu cầu thực tế và nhu cầu đất nền của người đầu tư, của người mua để ở trong mỗi thời kỳ là khác nhau, đặc biệt thay đổi rất nhanh ở giai đoạn hiện tại.
“Xu hướng đầu tư bất động sản phía Nam là những bất động sản có nhu cầu ở thực, phát sinh được dòng tiền. Vì vậy, những sản phẩm liền thổ gắn với hạ tầng như tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành… luôn là những sản phẩm được hướng tới”, ông Bình nói.
Cùng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group nhận định, thị trường hiện nay đang là “sân chơi” của người có nhu cầu thực. Với đất nền, thanh khoản chủ yếu diễn ra ở các giao dịch thứ cấp tại những dự án có pháp lý hoàn thiện, hạ tầng giao thông đồng bộ, vị trí nằm gần các khu dân cư, khu công nghiệp, kết nối về trung tâm thành phố thuận tiện, dễ dàng..., còn thị trường sơ cấp giá khó biến động mạnh lúc này.