5 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển ngành Công Thương năm 2024

(CL&CS) - Năm 2024 là năm bản lề quan trọng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%

Mới đây, Bộ Công Thương tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tại hội nghị, theo báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. 

2058_nhieu-hang-hoa-duoc-mien-thue-nhap-khau1476328534

Cụ thể, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Vĩnh Phúc; Vĩnh Long; Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...

Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. 

Trước tình hình đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

Thứ nhất, thương mại trong nước tăng trưởng tích cực, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, giữ vững vị trí thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thứ ba, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 30 tỷ USD), cao gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

5 nhóm giải pháp trọng tâm

Về triển khai thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, tại hội nghị các đại biểu thống nhất nhận định: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao; thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị này. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sau Hội nghị, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Ba là, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chíp và chất bán dẫn; đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Năm là, chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 13:59

(CL&CS) - Ngoài kế hoạch kinh doanh ấn tượng giai đoạn 2024-2028 được Bamboo Capital đặt ra, AGM 2024 còn đánh dấu sự kiện đặc biệt khi ông Kou Kok Yiow thay thế ông Nguyễn Hồ Nam ở vị trí Chủ tịch HĐQT.

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:13

Anh từng chia sẻ, gia đình anh trước đây rất khó khăn, bản thân anh cũng là người đầu tiên trong nhà có cơ hội đi học đại học.

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Ngày 26/4/2024, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Tiềm năng phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam tổ chức, Hội thảo đã tập trung vào hai dạng năng lượng chính: khí hóa than ngầm và năng lượng địa nhiệt.