Thứ năm, 08/05/2025, 14:27 PM

Xây dựng khung tiêu chuẩn thống nhất để phát triển lĩnh vực đường sắt hiện đại

(CL&CS)- Vừa qua, Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới".

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt, đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đường sắt hiện đại không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển mà còn là biểu tượng cho trình độ phát triển khoa học và công nghệ của một quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn, tốc độ và hiệu quả vận hành, việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong xây dựng, khai thác và quản lý hệ thống đường sắt đang trở thành xu hướng tất yếu.

Tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt là hệ thống các quy định và thông số kỹ thuật áp dụng trong toàn bộ vòng đời của tuyến đường sắt, từ thiết kế, thi công, khai thác đến bảo trì. Những tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tương thích và an toàn giữa các thành phần của hệ thống như hạ tầng, phương tiện, tín hiệu và điều khiển vận hành.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc… đều đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng cho từng loại hình đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc. Hệ thống tiêu chuẩn này thường bao gồm: khổ đường (thường là 1.435 mm cho đường sắt hiện đại), bán kính đường cong tối thiểu, độ dốc tối đa, tiêu chuẩn nền đường, cầu, hầm, thiết bị tín hiệu, hệ thống điện khí hóa và các yêu cầu về môi trường, an toàn cháy nổ.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã có các quy định về tiêu chuẩn trong lĩnh vực này nhưng khác biệt về công nghệ và tiêu chuẩn giữa các quốc gia đã làm gia tăng khoảng cách giữa quốc gia phát triển và các nước đang phát triển. Cụ thể: mỗi tuyến do nhà đầu tư khác nhau triển khai, sử dụng công nghệ, tiêu chuẩn thiết kế và vận hành khác nhau (ví dụ: kích thước cầu, hầm, ga, điện áp, hệ thống tín hiệu, vật tư phụ tùng...) dẫn đến khó khăn trong bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện; không tương thích về hệ thống điều khiển và tín hiệu: mỗi tuyến sử dụng hệ thống điều khiển tàu riêng, không liên kết; không thể chuyển tàu, chia sẻ cơ sở hạ tầng hoặc vận hành xuyên tuyến; thiếu tích hợp vé và thanh toán: mỗi tuyến có hệ thống vé, thẻ hoặc ứng dụng khác nhau dẫn đến người dân phải mua vé nhiều lần khi chuyển tuyến…

Dien-tieu chuan duong sat hien dai-1

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước thời cơ phát triển vượt bậc với nhiều chủ trương lớn, quyết sách chiến lược được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác lập.

Từ năm 2024 đến nay, nhà trường phối hợp với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức chuỗi tọa đàm, hội thảo về tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ vật liệu, giải pháp thi công và vận hành, khai thác hệ thống đường sắt hiện đại.

Trường cũng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng; Ban QLDA Đường sắt (Bộ Xây dựng) tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước.

Chia sẻ tại buổi toạn đàm, PGS. TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam có quá trình phát triển tuyến đường sắt lâu đời, song phần lớn các tuyến hiện nay thuộc khổ nhỏ. Việc đầu tư cho đường sắt trong những năm gần đây còn thấp.

Dien-tieu chuan duong sat hien dai-3

PGS. TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương hiện đại hóa ngành đường sắt, bao gồm cả việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các tuyến mới và hệ thống cũ. Ngoài ra, nhiều tiêu chuẩn hiện hành chưa bắt kịp với công nghệ mới, gây khó khăn trong việc tích hợp hệ thống và đảm bảo tính tương thích.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt Việt Nam xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 2.362km đường sắt kết nối đến các khu kinh tế, cảng biển.

Trong đó, mục tiêu được Chính phủ đặt ra là khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2026.

TS Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây dựng số 1 cho rằng, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên cho thấy, Việt Nam cần lựa chọn mô hình phù hợp, tránh tình trạng “chắp vá tiêu chuẩn” gây cản trở trong quá trình phát triển hệ thống. Để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đường sắt hiện đại, Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng sau:

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ, có tham khảo và hài hòa với các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới nhằm đảm bảo khả năng kết nối và vận hành hiệu quả.

Phân loại tiêu chuẩn theo từng cấp độ đường sắt: đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, mỗi loại cần có bộ tiêu chuẩn riêng nhưng đảm bảo tính thống nhất về nguyên lý vận hành và công nghệ.

Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống đường sắt phát triển; mời chuyên gia nước ngoài tham gia xây dựng tiêu chuẩn.

Cập nhật và số hóa hệ thống tiêu chuẩn để dễ dàng tiếp cận và áp dụng; đồng thời tích hợp với các phần mềm mô phỏng thiết kế, kiểm tra và đánh giá an toàn công trình.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật đường sắt, tiêu chuẩn hóa, kiểm định và quản lý vận hành.

Phát triển hạ tầng đường sắt hiện đại không thể tách rời việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và tiên tiến. Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài hạn để từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và xu thế quốc tế. Việc chuẩn hóa không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công trình mà còn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế và khả năng kết nối khu vực, từ đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Xây dựng khung tiêu chuẩn thống nhất để phát triển lĩnh vực đường sắt hiện đại

Xây dựng khung tiêu chuẩn thống nhất để phát triển lĩnh vực đường sắt hiện đại

sự kiện🞄Thứ năm, 08/05/2025, 14:27

(CL&CS)- Vừa qua, Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới".

Sơn La: Phát hiện 300 kg rau, củ nhiễm hóa chất

Sơn La: Phát hiện 300 kg rau, củ nhiễm hóa chất

sự kiện🞄Thứ năm, 08/05/2025, 09:29

(CL&CS) - Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La mới phát hiện hơn 300 kg rau, củ, quả dương tính với chất độc hại.

Triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

sự kiện🞄Thứ tư, 07/05/2025, 14:53

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 3883/VPCP-PL ngày 06/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.