Chủ nhật, 15/11/2020, 07:43 AM

Vẫn khó gọi vốn cho các dự án đối tác công tư PPP

(CL&CS) - Nhiều dự án PPP hiện đang ế hàng và thách thức lớn nhất là do nhà đầu tư khó huy động được vốn cho các dự án này.

Dự án PPP vẫn khó gọi vốn

Sau khi 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông được Chính phủ thống nhất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, thì những tháng vừa qua, các dự án còn lại của tuyến cao tốc Bắc Nam cũng gặp khó trong việc kêu gọi nhà đầu tư. 

Mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông báo quyết định huỷ thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do liên danh nhà đầu tư duy nhất không đáp ứng được hồ sơ kỹ thuật mà bên mời thầu là Ban quản lý dự án A2 đưa ra. Dự án này dài 43 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 30% với 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.

Trước đó, đã có dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu phải hủy thầu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Theo lý giải của Bộ GTVT, có nhiều lý do dẫn tới 2 dự án trên bể thầu, một phần do khó vay vốn, cùng với đó là việc các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP.

Không chỉ các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam PPP ế hàng, nhiều dự án PPP hạ tầng khác cũng phải điều chỉnh do không thu hút được nhà đầu tư. Đơn cử là dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án này có chiều dài 40,2 km theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 3.270 tỉ đồng, sau hơn 1 tháng mở thầu nhưng không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự tuyển.

Nguyên nhân hủy thầu được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đưa ra là do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như khả năng các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng.

Chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công và đề xuất ngân sách  bố trí gần 3.300 tỷ đồng nhằm thi công tuyến đường này.

Hay như tại dự án PPP đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, để đảm bảo tính khả thi tài chính, phần vốn nhà nước tham gia tại dự án lên tới 6.770 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư là huy động vốn tín dụng cho các dự án này. Nguyên nhân do các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Thực tế, trong hơn hai năm qua, đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT làm cho các ngân hàng lo lắng.

von-thuc-hien-du-an-ppp-cua-nha-dau-tu(1)

Các dự án PPP vẫn khó gọi vốn. Hình minh họa

Cần cơ chế để tháo gỡ khó khăn

Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư vẫn cần tiếp tục thực hiện để có thể đạt được các mục tiêu phát triển.

Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, “việc cung cấp tín dụng cho các dự án PPP phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành”, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng”.

Hầu hết các NHTM lớn đều đang khá thận trọng khi xem xét tài trợ vốn cho các dự án mới. Trong cuộc họp mới đây, đại diện của BIDV cho biết, ngân hàng đang còn rất băn khoăn khi xem xét tài trợ các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, do đây là công trình trọng điểm quốc gia, BIDV sẵn sàng xem xét để thẩm định tài trợ vốn, trên cơ sở các dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, đáp ứng các quy định của ngân hàng và pháp luật. Điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ GTVT cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, chỉ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng tài trợ vốn và nhà đầu tư cùng thống nhất tháo được các nút thắt tại các dự án BOT đang bị thiếu hụt dòng tiền do thay đổi cơ chế, giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, thì khi đó mới tạo được niềm tin trở lại cho nhà đầu tư, cũng như khơi thông phần nào được dòng tín dụng trở lại cho các dự án BOT giao thông.

Vân Thư

Bình luận

Nổi bật

Bị chiếm quyền điều khiển điện thoại khi truy cập vào đường link do shipper gửi

Bị chiếm quyền điều khiển điện thoại khi truy cập vào đường link do shipper gửi

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14

(CL&CS) - Thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng với nhiều phương thức tinh vi hơn.

Cấm thuốc lá điện tử

Cấm thuốc lá điện tử

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14

(CL&CS) - Đây là quan điểm được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và nhiều đại biểu Quốc hội đề cập một cách mạnh mẽ tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 11/11/2024.

Hà Nội: Cam kết không để xảy ra cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị

Hà Nội: Cam kết không để xảy ra cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS)- Ngày 19/11, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 3832/UBND-NC triển khai thực hiện Công điện số 113/CĐ-TTg ngày 7-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ.