Ưu tiên hỗ trợ kinh tế tư nhân - động lực chính trong tạo việc làm bền vững
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân - động lực chính trong tạo việc làm bền vững. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.
Vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá cao dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã cơ bản thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định về chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định “ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số”; khuyến khích phát triển việc làm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh. Đặc biệt, là hỗ trợ người lao động trong trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời giao Bộ Nội vụ làm đầu mối quản lý nhà nước về việc làm, thống nhất, tinh gọn.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 18-NQ/TW.
Theo quy định tại dự thảo Luật, vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng. Dù có chính sách vay vốn, song trong dự thảo Luật chưa nêu rõ khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng việc làm. Khu vực tư nhân hiện thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 84-85%. Nếu Luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta sẽ khó đạt mục tiêu nêu trên. Cùng với đó, tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, chương trình rõ ràng. Theo đại biểu Trần Văn Khải, dự thảo luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến nước ta tụt hậu, còn người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh.
“Dự thảo Luật chưa đề cập đến cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm; thiếu phối hợp đồng bộ dễ dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi”.
Với những lý lẽ như vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, bổ sung tại khoản 1, Điều 4, dự thảo Luật nội dung: “Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững”, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời, mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.
Với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nên nghiên cứu bổ sung tại khoản 2, Điều 9 nội dung: “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi”; bổ sung tại khoản 1, Điều 23 nội dung : “Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số”; bổ sung Điều 16a nội dung: “Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc”, giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin tuyển dụng.
Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế thực thi, như bổ sung tại khoản 2, Điều 6 nội dung: “Quy định rõ cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách việc làm” nhằm phân định trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương; và xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.
Nếu bổ sung các nội dung trên, theo đại biểu Trần Văn Khải, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, khơi dậy các nguồn lực to lớn nội sinh của dân tộc, giúp khu vực tư nhân phát huy tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm mới, người lao động nâng cao kỹ năng, nắm bắt cơ hội mới. Và đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Cân nhắc các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 40 dự thảo Luật quy định những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: “Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức”.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định nêu trên. Bởi, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động là mối quan hệ lao động. Việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, khi người lao động mất việc, không có việc làm bởi bất kỳ lý do gì, dù là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì người lao động đương nhiên phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng nộp bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu vấn đề.
Trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ: quy định nêu trên nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc.
Cho rằng, giải trình này chưa thuyết phục, đại biểu Nguyễn Minh Tâm dẫn chứng quy định tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 428 Bộ luật Dân sự có nêu “Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”; "bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện và người lao động có trách nhiệm bồi thường. Do đó, đại biểu kiến nghị cân nhắc nội dung này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Dự thảo Luật cần điều chỉnh tất cả đối tượng là người lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức. Nêu vấn đề này, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chỉ rõ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cần được pháp luật bảo vệ cũng như được thụ hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Vì thế, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, do ứng dụng công nghệ số vào công vụ; đồng thời, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, Luật chỉ điều chỉnh tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động mà "bỏ quên" đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu rà soát về mức đóng và điều kiện hưởng.
Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, tạo việc làm bền vững cũng như trong đột phá khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Rà soát các quy định về chính sách để tiếp cận đầy đủ việc làm là một trong ba trụ cột phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có các khái niệm, như việc làm hiệu quả với năng suất, chất lượng; việc làm đầy đủ; việc làm hợp lý; việc làm bền vững; giải quyết việc làm cũng như phát triển thị trường lao động ở tất cả các thành phần kinh tế từ mỗi tổ chức, cá nhân không bị hạn chế về mặt thời gian.
Anh Thảo ( Báo Đại biểu nhân dân)
Bình luận
Nổi bật
Ưu tiên hỗ trợ kinh tế tư nhân - động lực chính trong tạo việc làm bền vững
sự kiện🞄Thứ năm, 08/05/2025, 14:17
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân - động lực chính trong tạo việc làm bền vững. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến trao các văn kiện hợp tác Việt Nam-Azerbaijan và phát biểu với báo chí
sự kiện🞄Thứ năm, 08/05/2025, 08:07
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 7-8/5, chiều 7/5 (giờ địa phương), ngay sau hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev đã chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam - Azerbaijan và phát biểu với báo chí.
Tích hợp hệ thống quản lý: Hướng đi thông minh giúp nâng cao năng suất
sự kiện🞄Thứ năm, 08/05/2025, 07:58
(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO không chỉ là điều kiện cần thiết mà còn là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.