Thứ hai, 28/10/2024, 08:40 AM

Ứng dụng biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả

(CL&CS) - Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La” đã cho thấy những hiệu quả trong việc canh tác cây ăn quả trên địa hình đất dốc theo hướng bền vững. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để địa phương cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất dốc.

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, vừa đảm bảo chống được sự xói mòn, sạt lở của địa hình, vừa đảm bảo được bài toán kinh tế, giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở đó, năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt cho Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chủ trì triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả tương đối lớn với 71.380 ha. Trong đó, bao gồm các cây ăn quả chủ yếu như: nhãn, xoài, mận, bơ, thanh long, chanh leo, cam,… đã được xuất khẩu sang thị trường 16 nước như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, UEA, Trung Quốc. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình đồi núi, khi mưa dễ làm rửa trôi bùn đất, thêm vào đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm giảm đi độ dinh dưỡng có trong đất. Điều này, đã đặt ra vấn đề cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng độ phì của đất, giúp bà con canh tác cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững. Xuất phát từ thực tế trên, tháng 9/2021, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chủ trì triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La” với mục tiêu đề xuất được giải pháp phục hồi, duy trì độ phì nhiêu đất và dinh dưỡng cho cây ăn quả theo hướng sản xuất bền vững; đồng thời xây dựng được 2 mô hình quản lý đất và dinh dưỡng cho cây ăn quả chủ lực trên đất dốc tại tỉnh Sơn La, có hiệu quả kinh tế sản xuất cao hơn 15% so với đại trà.

Sau khi đề tài được UBND tỉnh phê duyệt, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu và Sông Mã triển khai thử nghiệm đối với cây xoài và nhãn về các nội dung như: Đánh giá hiện trạng, xác định các yếu tố gây suy giảm và mức độ suy giảm độ phì nhiêu của đất dốc; Tổ chức hội thảo xin ý kiến hoàn thiện giải pháp canh tác; Xây dựng giải pháp phục hồi, duy trì độ phì đất và dinh dưỡng cho cây xoài, cây nhãn theo hướng sản xuất bền vững; Đào tạo cán bộ kỹ thuật và tập huấn hướng dẫn cho nông dân tại địa phương.Nhóm nghiên cứu đã thu thập 20 mẫu đất trồng xoài; 20 mẫu đất trồng nhãn để phân tích đánh giá chất lượng đất. Căn cứ vào kết quả điều tra về phương thức canh tác, tập quán sử dụng phân bón của người dân và thực trạng tính chất đất; đã xây dựng được 1 mô hình giải pháp phục hồi, duy trì độ phì đất và dinh dưỡng cho cây xoài quy mô 0,5 ha tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu; 1 mô hình cây nhãn quy mô 0,5 ha tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Qua đánh giá, 2 mô hình canh tác xoài tại huyện Yên Châu và nhãn tại huyện Sông Mã khi được áp dụng đồng bộ các giải pháp (bón phân cân đối, bổ sung phân hữu cơ vi sinh và che phủ đất) cho năng suất cao hơn rõ rệt so với lối canh tác cũ của dân khoảng 11,78% đối với xoài và 17,74% đối với nhãn. Đồng thời làm tăng hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác truyền thống của người dân từ 21,28% đối với xoài và 19,96% đối với nhãn.

1

Nhóm nghiên cứu đề tài tổ chức tập huấn tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc tại bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã

Nếu như trước đây, vườn nhãn của gia đình Ông Phạm Văn Đạt, bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã thường có diện tích đất khá khô cằn,  độ chua cao, mùa hè đất dễ bị rửa trôi, xói mòn do mưa trôi, khiến cho rễ cây có độ bám rễ kém, không giữ được nguyên hàm lượng phân bón trong đất, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển hoa nhãn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa hướng dẫn các biện pháp: che phủ đẩt bằng tàn dư thực vật sẵn có, bón phân có cuốc rãnh lấp đất,... diện tích đất có độ tơi xốp cao hơn, khả năng rửa trôi của đất ít hơn so với thời gian trước.

Bà Nguyễn Thị  Huế, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Thư ký đề tài cho biết: “Đề tài áp dụng các kỹ thuật trồng chăm sóc cây nhãn hiện có mà đã được các sở ban ngành thông qua. Chúng tôi làm thêm vấn đề quản lý dinh dưỡng bằng các biện pháp che phủ và bón phân cân đối với các hàm lượng khác nhau cả về mặt vô cơ và hữu cơ. Qua thí nghiệm thực hiện tại huyện Sông Mã thì đã cho thấy được hiệu quả kinh tế đạt trên 15% so với vùng đối chứng người dân trồng”.

Ông Phạm Văn Đạt, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã chia sẻ: “Tổng diện tích nhãn của gia đình thì có gần 3 ha, trong đó là có 1 ha ở đây, đề tài đã chăm sóc  0,5 ha, với khoảng tầm 200 cây. Đề tài đã ủng hộ gia đình từ công cắt tỉa, bón phân, chăm sóc. Khoảng hơn 1 tháng nữa là được thu hoạch cây nhãn chín sớm nhưng mà gia đình thấy đề tài áp dụng đúng khoa học thì nó cao hơn là chúng tôi làm tự do”.

Để trang bị cho các hộ dân có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để canh tác cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn, xoài trên đất dốc hiệu quả, nâng cao được năng suất và chất lượng, tiết kiệm chi phí phân bón, tưới tiêu, giảm sâu bệnh hại,...  Đầu năm 2024, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc cho các hộ gia đình trồng nhãn và xoài trên địa bàn huyện Sông Mã và huyện Yên Châu. Đối với buổi tập huấn tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, nhóm thực hiện đề tài cung cấp kiến thức về thiết kế vườn trồng nhãn trên các sườn dốc; cách lựa chọn giống nhãn đảm bảo về nguồn gốc, tiêu chuẩn phù hợp với khu vực trồng; kỹ thuật trồng mới vườn nhãn; những lưu ý về tỷ lệ, liều lượng bón phân NPK, bón chất hữu cơ trong đất; các giai đoạn thích hợp để tưới nước cho cây nhãn; cách phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM) để kiểm soát dịch hại, bảo vệ thiên địch, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người;… Các kiến thức sẽ giúp người dân tăng giá trị kinh tế, góp phần cải thiện môi trường đất, nước và đặc biệt là môi trường sống tại địa phương, cũng như khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La đánh giá: “Qua thực hiện gần 2 năm của Viện nghiên cứu tại trên địa bàn xã thì đến giờ  này cũng đã đánh giá được những cái dư lượng trong đất, cái nào thừa hoặc nó thiếu thì đã hướng dẫn cho người dân trên địa bàn học hỏi làm theo. Trong thời gian tới, xã cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động tới người dân làm sao để thực hiện bón phân, phun thuốc đảm bảo đúng theo quy trình kỹ thuật của đề tài đã đưa ra”.

Để giúp bà con nông dân có thể ứng dụng, nhân rộng hiệu quả trồng trọt đối với các loại cây ăn quả khác đặc trưng của địa phương như xoài, nhãn, bơ, thanh long,…, giảm suy thoái, xói mòn đất, cải thiện môi trường sinh thái, ban chủ nhiệm đề tài đã có khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật canh tác cây ăn quả trên đồi, địa hình đất dốc.

Bà Trần Thị Huế - Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Qua các thí nghiệm mà chúng tôi đã bố trí tại huyện Yên Châu và huyện Sông Mã, đã đánh giá được khả năng phục hồi độ phì nhiêu đất khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật và để sản xuất cây quả bền vững trên đất dốc cần thiết phải cải tạo đất, trồng xen canh cây quanh gốc, bổ sung hữu cơ vi sinh,… Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, cử cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn người dân nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cấy ăn quả trên đất dốc và công tác bảo vệ đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.

Qua 3 năm triển khai, đến nay, đề tài đã cho thấy những hiệu quả trong việc canh tác cây ăn quả trên địa hình đất dốc theo hướng bền vững không chỉ đối với cây xoài, nhãn mà còn có khả năng nhân rộng ra đối với các loại cây ăn quả chủ lực khác của tỉnh như bơ, dứa, mận hậu,... Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để địa phương cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất dốc”.

Theo Sở KH&CN tỉnh Sơn La

Bình luận

Nổi bật

Các chiến lược kiểm soát chất lượng trong nhà máy hiện nay

Các chiến lược kiểm soát chất lượng trong nhà máy hiện nay

sự kiện🞄Thứ bảy, 07/12/2024, 22:32

(CL&CS)- Trước yêu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của khách hàng, mỗi đơn vị cần tìm kiếm cho mình những chiến lược công nghệ phù hợp, đồng thời, tối ưu hóa năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng

Nuôi loài hiền lành khỏe mạnh “vứt đâu cũng sống”, anh nông dân Hà Tĩnh nhẹ nhàng bỏ túi 800 triệu đồng/năm

Nuôi loài hiền lành khỏe mạnh “vứt đâu cũng sống”, anh nông dân Hà Tĩnh nhẹ nhàng bỏ túi 800 triệu đồng/năm

sự kiện🞄Thứ bảy, 07/12/2024, 22:31

(CL&CS) - Số vốn bỏ ra ít, không tốn công chăm sóc, dễ thích nghi với mọi môi trường sống lại có thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều hộ nông dân đã áp dụng mô hình nuôi cá vược cho hiệu quả kinh tế cao.

Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí

Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí

sự kiện🞄Thứ bảy, 07/12/2024, 22:30

(CL&CS)- Trong nền kinh tế hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp cơ khí không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí là rất cần thiết.