Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phải là nơi hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích
(CL&CS)- Chiều 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng đi có Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng kể, cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò, vị thế tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", trở thành nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác, từ đó, tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả lợi ích, giá trị cho toàn xã hội và tiếp tục phát triển Trung tâm. Để làm được điều này, theo Thủ tướng phải có cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công sức và tâm huyết.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng các văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các vườn ươm sáng tạo; hỗ trợ ban đầu cho các startup có trí tuệ, quyết tâm…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia theo trình tự rút gọn, nếu cần thiết thì trình Chính phủ ban hành ngay nghị quyết để thực hiện rồi hoàn thiện tiếp.
Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hình thành quỹ đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo; việc này cần làm nhanh như khi hình thành Quỹ Vaccine. Nhà nước sẵn sàng dành nguồn lực bởi đầu tư cho việc này là đầu tư cho phát triển, miễn là không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu, muốn có trí tuệ nhân tạo (AI) phải có cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan khác khai thác tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Cùng với đó, hoàn thiện mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền tảng số để kết hợp các hoạt động của hệ sinh thái, số hóa việc điều khiển vận hành của Trung tâm; số hóa tương tác giữa hệ sinh thái trong và ngoài nước với Trung tâm…
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã thăm cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công; song phải đảm bảo chất lượng, kỹ-mỹ thuật công trình; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động... "Quy hoạch xây dựng Trung tâm phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn; song đầu tư thì phân kỳ; làm đến đâu dứt điểm đến đó", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải xây dựng Trung tâm đầy đủ tiện ích, có không gian, cảnh quan, cây xanh, mặt nước; là nơi hội tụ của các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước và là nơi đáng sống, làm việc của các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà sáng lập, và nhân sự làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng thăm, làm việc với Tập đoàn Viettel
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và làm việc về hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghệ cao của Viettel gồm 3 lĩnh vực: Quân sự, hạ tầng viễn thông, sản phẩm dân sự.
Với mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao góp phần hiện đại hóa Quân đội và phát triển đất nước có công nghệ tiệm cận với các nước tiên tiến hàng đầu thế giới, Viettel đã đầu tư nghiên cứu sản xuất công nghệ cao từ năm 2010.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đơn vị nghiên cứu, sản xuất phần mềm trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Đối với lĩnh vực quân sự, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội.
Trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, Viettel làm chủ toàn bộ hệ thống mạng 5G từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị truyền dẫn và mạng lõi. Đến nay, Viettel đã triển khai diện rộng đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G.
Đối với nhiệm vụ Thủ tướng giao vào tháng 8/2022 về việc nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, đến nay, tập đoàn đã hoàn thành nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm 2 dòng chip 5G.
Hiện nay, Viettel đang đứng vị trí số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp. Viettel đã được công nhận 18 sáng chế quốc tế (Mỹ), 80 sáng chế trong nước, 19 giải pháp hữu ích, 12 kiểu dáng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực, tự lực, tự cường của Viettel để đạt được những thành tựu trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn và sứ mệnh của mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới.
Trung Kiên
Bình luận
Nổi bật
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 11:02
(CL&CS) - Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.
Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13
(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đã nhấn mạnh, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới về quản lý nhà giáo, những thể hiện về mặt chuyên môn và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo trong xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 11:21
(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.