Thứ bảy, 18/09/2021, 09:42 AM

Sống chung với Covid, 14 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng ra Chỉ thị chống dịch mới

(CL&CS) - 14 Hiệp hội doanh nghiệp đã có thư gửi Thủ tướng kiến nghị về chiến lược phòng chống dịch phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới thay thế cho Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 hiện nay.

Để đảm bảo cả 03 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”và đáp ứng yêu cầu cấp bách chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”, phục hồi sản xuất kinh doanh, trong bức thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9/2021, 14 Hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất về Chiến lược phòng chống dịch mới.

Đây là Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.

Theo các Hiệp hội, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội thực hiện trên diện rộng ở  Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và hơn 20 tỉnh thành lại đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Thư kiến nghị của 14 Hiệp hội

Thư kiến nghị của 14 Hiệp hội

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Tình hình này không thể kéo dài. Và do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, Thủ tướng cũng đã xác định mục tiêu “Zero COVID-19” đã chuyển sang “sống chung với COVID-19”, 14 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị phòng chống dịch (PCD) thay thế Chỉ thị số 15, Chỉ thị16 hiện nay.

Chỉ thị mới cần được quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện PCD - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Gọi là Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm”, các Hiệp hội kiến nghị không áp dụng phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý, quản lý mà phòng dịch theo điểm.  Quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ và xác xuất tại các điểm; lấy Tổ dân phố, Tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt PCD tại các điểm dân cư; các tổ chức, doanh nghiệp chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các điểm.

Không cực đoan phong tỏa cả doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt.

Chỉ cách ly căn hộ hoặc căn nhà có F0. Căn hộ khác trong toà nhà nếu xét nghiêm âm tính thì không phải cách ly. Cách ly cả tầng nếu có hai căn hộ trở lên có F0 trong cùng một tầng. Cách ly cả toà nhà nếu có F0 từ 05 tầng khác nhau trở lên. Và khi có trên 5 căn nhà cùng có F0 thì mới cách ly cả ngõ.

Các Hiệp hội kiến nghị các tổ chức, doanh nghiệp được trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng phòng chống dịch. Việc tổ chức sản xuất nên theo khu vực với giờ sản xuất, giờ ăn linh hoạt để  hạn chế tiếp xúc. Việc xét nghiệm thực hiện theo xác suất 10% lao động với tần xuất 7 ngày một lần; tổ chức sản xuất theo khu vực, giờ ăn linh hoạt. 

Công dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm (XN) âm tính. XN âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

Các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ lập Tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hoá, lập đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra PCD đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến.

Các tỉnh, thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp - thành viên Ban chỉ đạo PCD, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. 

Đặc biệt các Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng. Chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu lái xe chở hàng đến từ các vùng có dịch cần tuân thủ 5K và giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện theo nguyên tắc “bong bóng” tức không tiếp xúc. Các vùng khác chỉ cần 5K. 

Đề nghị tiếp theo là giảm chi phí xét nghiệm và hạ giá xét nghiệm cho doanh nghiệp và người dân. Kiến nghị Thủ tướng đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá, cho các Tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. 

Chi phí xét nghiêm đang một gánh nặng lớn với doanh nghiệp. Chi phí xét nghiệm nCoV RT-PCR khoảng 700.000 - 800.000 đồng (tương đương 35 USD) một lần. Với doanh nghiệp có số lao động tính bằng nghìn thì mỗi lần xét nghiệm chi phí mất tiền tỷ. Trong khi nếu được tiêm vaccine thì chi phí ít hơn nhiều. 

Chi phí xét nghiệm đang là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp

Chi phí xét nghiệm đang là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp

Chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.

Để phục hồi nền kinh tế, các Hiệp hội kiến nghị Miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến: BHXH, kinh phí công đoàn, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai PCD.

Đối với các các nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ được  cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

“Xanh hóa” vật liệu xây dựng sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.