Thứ ba, 09/04/2024, 15:55 PM

Những điểm tựa mới cho tăng trưởng kinh tế

(CL&CS) - Theo đánh giá của các chuyên gia, dù có sự khởi sắc nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn tiềm ẩn các rủi ro, đè nặng lên giải pháp tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Theo đó, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh được coi là những yếu tố quan trọng, động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam.

1

Đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng

Tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023. Với sự khởi đầu tốt của nền kinh tế khi cả ba chân kiềng tăng trưởng quan trọng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đều đang bật tăng mạnh mẽ đã cho thấy những tín hiệu tích cực, triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, kết quả tăng trưởng của quý 1/2024 nếu so với quý 4/2023 dù chưa đột phá nhưng tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo và dự báo về một triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.

Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế quý 1, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dù có sự khởi sắc trên nền tăng trưởng thấp của năm ngoái, song kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn tiềm ẩn các rủi ro, đề nặng lên giải pháp tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Cụ thể, với xu thế tích cực của quý 1, nếu Việt Nam tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh (miễn giảm thuế, giảm lãi suất cho vay,...) và chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước thì xu thế khởi sắc về tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sẽ được lan tỏa trong các quý tiếp theo.

Tuy vậy, trước diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, với những căng thẳng địa chính trị chưa rõ thời điểm kết thúc thì áp lực phải duy trì nền lãi suất cao, biến động về tỷ giá, thậm chí là biến động của những tài sản thường được sử dụng để đầu tư như vàng cũng gây áp lực cho khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Trong bối cảnh đó, dù lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, song trong năm 2024 có một số mặt hàng nhất định như điện, y tế, giáo dục, xăng dầu có sự tăng giá hơn so với năm 2023 sẽ tạo áp lực cho lạm phát 2024. Điều này sẽ làm hẹp dư địa chính sách để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước. Do vậy, chúng ta cần duy trì lãi suất phù hợp trong thời gian dài để cho các ngân hàng có thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất. Điều này phụ thuộc vào việc có duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tỷ giá”, ông Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Trong khi đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Vì vậy, trong thời gian tới, để có thể đưa tốc độ tăng GDP năm 2024 lên trên 6% và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ ở mức cao nhất, thì ngoài thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cần những điểm tựa mới cho tăng trưởng. Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng, động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Việc tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) cho phép kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 12-15%/năm đến năm 2045.

PGS, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính: Chính sách tài khóa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng và nhiều thách thức từ bên ngoài là nhiệm vụ rất khó khăn song về cơ bản Chính phủ đã vượt qua thách thức và đạt được những thành công. Năm 2024-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, chính sách tài khóa cần được sử dụng cùng với các chính sách kinh tế khác và gắn với quá trình cải cách thể chế chung mới có thể phát huy hiệu quả.

Chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế. Cần tiếp tục các chính sách tài khóa nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, lương tăng sẽ kích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu.

Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết ngày 30/6/2024 là chính sách hợp lý, và nếu cần có thể xem xét kéo dài thêm đến hết năm 2024.

X.T (ghi)

Cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng

Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo tác động tích cực đến nền kinh tế quốc dân, đóng góp tới 95% mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. Có thể nói, đổi mới sáng tạo thông qua khoa học và công nghệ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên. Vì thế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả. Thực tiễn quá trình phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, các chuyển đổi về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế. Do đó, đổi mới sáng tạo là một trong những chỉ số quan trọng, định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia.

Việt Nam đang có thế và lực mạnh để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, do đó, cần phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Nguyễn Thị Mai Hạnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Đáng chú ý, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, năm 2024 cũng là năm Việt Nam có cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam phải đón bắt ngay những cơ hội, động lực tăng trưởng mới như: xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Động lực này không chỉ khơi dậy nguồn lực trong nước mà còn chờ đón các dòng đầu tư nước ngoài, các nguồn lực tài chính xanh từ bên ngoài vào quá trình chuyển đổi này.

“Một cơ hội ngàn năm có một để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam đó là xu hướng chuyển dịch các dòng đầu tư của những ngành công nghệ cao, điển hình như Mỹ sẽ chuyển dịch những ngành đầu tư công nghệ cao có giới hạn cho những quốc gia được đánh giá tin cậy. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ của ngành công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn hoặc trí tuệ nhân tạo. Nếu chúng ta chớp được dòng dịch chuyển này sẽ tạo cơ hội để Việt Nam chuyển đổi, thay đổi mô hình tăng trưởng, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào những hoạt động đầu tư gia công, lao động có giá trị thấp sang một mô hình tăng trưởng mới là những ngành dựa vào khoa học công nghệ, những sản phẩm mới như chip hay trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là những ngành tạo giá trị gia tăng rất cao, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao chứ không thâm dụng lao động như ngành dệt may, gia công, lắp ráp. Đồng thời cũng là điều kiện để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra năng suất lao động cao vượt trội và là bước ngoặt, là một yếu tố then chốt để chuyển từ một nền kinh tế có năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao, từ một nước có thu nhập ở mức trung bình sẽ bứt phá vươn lên thành nước có thu nhập cao”, GS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Rót gần 3.400 tỷ nâng cấp mở rộng đường nối Vành đai 3 tồn hơn 10 năm, gỡ 'nút cổ chai' kinh hoàng tại quận Hoàng Mai

Rót gần 3.400 tỷ nâng cấp mở rộng đường nối Vành đai 3 tồn hơn 10 năm, gỡ 'nút cổ chai' kinh hoàng tại quận Hoàng Mai

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 21:45

Tuyến đường Tam Trinh hoàn thiện kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường chính cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

Kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia tác động đến sông Mê Kông: Nguy cơ khó lường với ĐBSCL, gây thiệt hại lớn cho Việt Nam?

Kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia tác động đến sông Mê Kông: Nguy cơ khó lường với ĐBSCL, gây thiệt hại lớn cho Việt Nam?

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 21:44

Dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) đang tiềm ẩn nhiều vấn đề khi có thể làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông và trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Tuyến đường là trục giao thông chính tại TP. HCM dài 2km sau 23 năm mới chính thức hoàn thành

Tuyến đường là trục giao thông chính tại TP. HCM dài 2km sau 23 năm mới chính thức hoàn thành

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 21:42

Tuyến đường đi qua nhiều phường của quận 8 và là trục giao thông chính của quận này đã hoàn thành sau thời gian dài chậm tiến độ.