Làm gì để dự án “treo” không tiếp tục... “treo”?
(CL&CS) - Tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai qua việc thực hiện những dự án “chết lâm sàng”, dự án “treo” nhan nhản kéo dài cả chục năm vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, khiến dư luận phẫn nộ. Đây là câu chuyện không mới, đã được nhắc đến nhiều năm qua nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.
Những mảnh đất bỏ hoang, những công trình phơi nắng dầm mưa suốt năm này qua tháng khác là tài nguyên, là tài sản của toàn xã hội, của đất nước. Việc chậm tiến độ có nhiều lý do khác nhau, cả về khách quan lẫn chủ quan của chủ đầu tư. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là sau nhiều năm “treo”, các dự án này có tiếp tục bị “treo” hay không?
“Chôn” tiền tỉ vào đất cùng điệp khúc “bỏ hoang”
Dự án treo đang “treo” khắp các địa phương, có nhiều nguyên nhân, ví dụ như thiếu vốn, khó khăn trong giải tỏa đền bù, nhưng phần lớn là doanh nghiệp làm dự án “xí” đất, vẽ hươu vẽ vượn để tung lên thị trường bán cổ phiếu, còn thực hiện thì không.
Theo ghi nhận, tình trạng đất đai bỏ hoang còn xuất hiện ngay cả tại các khu đất đấu giá, dự án khu nhà ở, khu đô thị ở nhiều địa phương đã xây dựng xong hạ tầng. Nguyên nhân chính là do bất động sản là kênh “hái ra tiền” đã kích thích sự tham gia của giới đầu cơ mua gom, chứ không có mục đích sử dụng.
Đơn cử như câu chuyện của anh Vũ Tiến (41 tuổi, đang trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết đợt dịch hai năm vừa qua, công việc kinh doanh của anh bị thua lỗ nên anh đã cùng những người bạn hùn vốn để đầu tư bất động sản, cụ thể là đất nền ở Bình Chánh, Củ Chi và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương
“Tháng 11/2020, chúng tôi bỏ ra 2 tỷ đồng mua mảnh đất ở Củ Chi, nhưng chỉ qua Tết khoảng đầu tháng 3/2021, khu vực này có hiện tượng “sốt”. chúng tôi đã bán luôn và thu lãi hơn 500 triệu đồng”, anh Tiến kể lại hành trình bước vào đầu tư bất động sản đầy may mắn của mình.
Anh Tiến thừa nhận, anh và những người bạn chỉ đầu cơ kiếm lợi nhuận chứ không có ý định ở hay khai thác kinh doanh trên phần đất đã mua. Vì thế, sau khi mua xong, họ để đất đó, chờ tăng giá thì bán.
Hệ lụy của những dự án “treo bền vững”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự án chậm triển khai. Từ nguyên nhân khách quan là các văn bản Luật, văn bản dưới luật quy định chồng chéo gây vướng mắc cho chủ đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch qua các thời kỳ cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án. Nhưng nguyên nhân chủ quan hàng đầu vẫn là năng lực của chủ đầu tư không đủ để thực hiện dự án, nhiều chủ đầu tư không phối hợp với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng và cố tình chây ì, để không phải nộp nghĩa vụ tài chính.
Trên thực tế, câu chuyện dự án “treo” không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà kéo theo đó rất nhiều hệ lụy.
Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế.
Có một thực tế ở các đô thị lớn đó là quỹ đất để phát triển hạ tầng eo hẹp, trong khi đó, diện tích đất hoang hoá từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn ha. Lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người dân lay lắt sống tạm bợ trong các dự án treo.
Ngoài ra, các dự án “treo”, chậm tiến độ trên diện rộng làm “thui chột” môi trường đầu tư của địa phương, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư thật không với được tới đất, nhưng những nhà đầu tư khiếm khuyết năng lực lại dễ dàng có đất rồi để hoang khiến môi trường đầu tư kém lành mạnh, thiếu hiệu quả.
Vì sao khó thu hồi dự án treo?
Việc thu hồi những dự án xây dựng chậm tiến độ, “ôm đất” bỏ hoang nhiều năm nay đã có quy định cụ thể tại Luật Đầu tư. Tuy nhiên đến nay, quá trình thu hồi vẫn gặp không ít khó khăn, tựu chung lại thành ba nhóm.
Nhóm một, ra sức đeo bám lý thuyết “còn nước còn tát”, liên tục đề xuất, kiến nghị xin gia hạn kéo dài thời gian chuẩn bị. Nhóm hai, cố tình chống đối, không hợp tác với chính quyền để bàn giao dự án theo quyết định thu hồi. Không ít trường hợp thuê người cố thủ, gây khó khăn tác nghiệp của các cán bộ chức năng. Nhóm ba, phổ biển hơn, tìm cách lánh mặt, chủ đầu tư tắt hoặc thay đổi số điện thoại, có tìm gặp cũng tránh không tiếp xúc với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu như đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật. Hay một số dự án có hồ sơ pháp lý nên việc thu hồi khá phức tạp, hoặc nằm trong quy hoạch chiến lược nên cần thời gian thẩm tra, đánh giá, kết luận từ cơ quan có thẩm quyền. Nhưng dẫu thế nào, cũng không để chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở kéo dài thời gian “đắp chiếu” dự án.
Làm gì để dự án “treo” không tiếp tục... “treo”?
Vậy giải pháp nào để triệt tiêu những dự án “quây tôn”? Thật ra việc xử lý dự án treo vẫn là vấn đề “nợ đọng” của năm 2021 và còn nhiều thách thức trong năm 2022.
Thay đổi quy định và sửa luật vẫn là giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, để người dân sống trong các khu quy hoạch không bị mất quyền lợi và không bị “chôn chân” tại các dự án không biết khi nào mới hết treo, pháp luật cần đưa ra các quy định về bồi thường cho những hộ dân sống trong vùng quy hoạch và có chế tài đối với những nhà đầu tư “không chịu” triển khai dự án, “đánh” mạnh vào “túi tiền” của những đơn vị, cá nhân, nhà đầu tư có dự án “quây tôn”, dự án “treo”, kiên quyết thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất với những dự án “rùa bò”. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng công khai danh mục các dự án không đủ điều kiện thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và xuống tận cơ sở để người dân giám sát.
Mặt khác, phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương, người đứng đầu, cán bộ, công chức,… đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm và xử lý thật nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng nhếch nhác bởi hình ảnh “treo” dự án.
Vì sự thật, nếu mua đất xây nhà ở, cho thuê thì ít nhất còn giúp người khác có chỗ ở, nếu xây dựng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu thể thao, giải trí,… thì còn giúp phát triển kinh tế địa phương, chứ đất bỏ hoang rồi mua qua bán lại thì đất mãi chỉ là “cục đất” mà thôi, không sinh ra giá trị gì cả.
Thu Trang
Bình luận
Nổi bật
Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00
Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.
Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59
Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.
Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.