Thứ sáu, 14/06/2024, 14:56 PM

Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số

(CL&CS) - Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Theo thống kê, cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí, 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. 

Bao-Chi

Quang cảnh hội thảo (ảnh Khánh An)

Hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” có 3 Phiên họp, thảo luận, gồm: Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; Phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam,  những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Đó là vướng mắc trong quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế. Đó là chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí... Bên cạnh đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đưa ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%...

Hiện nay, hằng năm, chi thường xuyên cho báo chí dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Về thu phí nội dung trên báo chí điện tử, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022)... Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin. 

Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), kinh tế báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống báo chí truyền thông hiện đại, bởi đây vừa là nguồn sống cơ bản, vừa là động lực bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển. Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có chiến lược, mô hình đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu.

Nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế truyền thông số phát triển với tốc độ nhanh và các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, hòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại, tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển.

Do đó, chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề tất yếu, báo chí là lĩnh vực đặc thù và cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số để giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí.

Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Quảng Ngãi: Sử dụng tài khoản VNeID thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Quảng Ngãi: Sử dụng tài khoản VNeID thực hiện dịch vụ công trực tuyến

sự kiện🞄Thứ tư, 19/06/2024, 15:40

(CL&CS) - Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để người dân thực hiện các dịch vụ công được thuận lợi.

Khánh Hòa: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững

Khánh Hòa: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 19/06/2024, 14:45

(CL&CS) - Những năm qua, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã được người dân tỉnh Khánh Hòa chú trọng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đây là chìa khóa xóa nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hai tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên hợp tác phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ

Hai tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên hợp tác phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 18/06/2024, 15:37

(CL&CS) - Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cùng Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên thống nhất các nội dung hợp tác về: hoạt động quản lý khoa học, công nghệ; quản lý thị trường khoa học, công nghệ (KHCN); khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng chuyển giao KHCN.