Thứ tư, 29/11/2023, 14:50 PM

Đại biểu đề nghị tăng tiền cọc khi đấu giá tài sản lên trên 20%

(CL&CS) - Nhiều đại biểu quốc hội nêu ý kiến đề nghị xem xét tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tránh tình trạng bỏ cọc, gây lũng đoạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa chế tài đối với người bỏ cọc và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa chế tài đối với người bỏ cọc và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện. (Ảnh: Quốc hội)

Quốc hội vừa có phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là vấn đề xác định tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất, tránh tình trạng bỏ cọc, gây nhiễu loạn thông tin thị trường...

Tham gia vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, cần tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn để tránh tình trạng đối tượng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

Theo Đại biểu Nga, hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền là từ 5 - 10% giá trị tài sản, tuy nhiên, bà đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%.

“Như vậy, những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”, đại biểu Nga nêu rõ.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với trường hợp xác định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm. Vì nếu xác định tiền thuê đất nộp một năm thì giá trị rất thấp so với giá trị của lô đất, nên tiền đặt trước được tính tối đa 20% giá trị tiền thuê đất một năm không có nhiều ý nghĩa ràng buộc.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh kiến nghị Chính phủ khoảng trống pháp lý hiện nay đối với các trường hợp quyền sử dụng đất được giao đất, thu tiền thuê đất hàng năm qua đấu giá nhưng sau 5 năm lại sang chu kỳ mới. Tiền thuê đất tính lại nên giá thuê đất hàng năm qua đấu giá thực chất chỉ có ý nghĩa trong chu kỳ 5 năm đầu thuê đất mà thôi.

Nhìn các cuộc đấu giá diễn ra gần đây như quyền sử dụng đất lô 3-12 khu đô thị Thủ Thiêm với giá trúng 8,3 lần giá khởi điểm lên đến 2,43 tỷ đồng/m2; hay cuộc đấu giá cho thuê 10 năm Nhà hàng Thủy Tạ có diện tích xây dựng 280 m2 với giá trúng đấu giá 151 tỷ đồng, gấp 5 lần giá khởi điểm nhưng nhà đầu tư đều bỏ tiền đặt trước khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất luật bổ sung thêm quy định khi việc đấu giá tài sản nhà nước theo phương thức trả giá lên xuất hiện tình huống đấu giá nhiều vòng thì khi mức giá của vòng đầu tiên cao hơn giá khởi điểm từ hai lần thì người tham gia đấu giá tiếp phải nộp bổ sung tiền đặt trước để đảm bảo tỷ lệ đặt trước so với giá bắt đầu của vòng đấu giá tiếp theo.

Quy định này lại tiếp tục áp dụng nếu như giá đấu của các vòng sau đầu tiên gấp hơn từ hai lần soi mức giá phải bổ sung tiền đặt trước. Điều này sẽ khiến cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trách nhiệm hơn với quyết định trả giá của mình, tránh tình trạng bỏ giá quá cao, sau lại bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.

Tuy nhiên, cũng theo vị đại biểu này, có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá vì trước khi người ta nộp hồ sơ người ta cũng chưa biết được người ta có trúng đấu giá hay không. Do vậy, nên quy định một chế tài phạt hợp đồng.

Vì vậy, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu ý kiến: Có thể nâng lên từ 30% đến 50% để phạt hợp đồng đối với những người trúng đấu giá nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng để đảm bảo cho việc hoạt động đấu giá được lành mạnh.

Đồng thuận với quan điểm nâng tỷ lệ tiền đặt trước, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức tối đa lên 30% hoặc 40%, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có tài sản hoặc các tổ chức đấu giá khi được ủy quyền trong việc xác định giá khởi điểm đối với từng loại tài sản.

Mặt khác, trong thực tế người có nhu cầu thật sự tham gia đấu giá hầu hết đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí họ chuẩn bị đủ đến 100% số tiền họ dự kiến sẽ bỏ ra, cho nên họ sẽ không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc tăng mức tiền đặt trước cao sẽ là rào chắn an toàn đối với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá mà chỉ đăng ký tham gia với mục đích như thông đồng, dìm giá để trục lợi. Hơn nữa, quy định này sẽ hạn chế được thấp nhất tình trạng bỏ cọc đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Trước những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH về điều kiện tham gia đấu giá, vấn đề tiền đặt trước, chế tài, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Luật Đấu giá tài sản không thể điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, kể cả điều kiện đưa ra để bán đấu giá cho đến sau này bán đấu giá thành công thì xử lý theo quy định nào và đặc biệt là trong trường hợp xác định giá khởi điểm cũng phải tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Hiện nay, chúng ta có Nghị định 10 năm 2023, điều kiện tham gia để đấu giá quyền sử dụng đất để làm các dự án cũng phải theo quy định về pháp luật đất đai, chẳng hạn như có ký quỹ, không vi phạm các quy định về pháp luật đất đai tương tự như vậy đối với quyền khai thác khoáng sản hoặc quyền tham gia đấu giá các công trình giao thông.

Như vậy, chúng ta phải nhìn tổng thể ở trong các pháp luật chuyên ngành nữa. Chính vì thế, cùng với hoàn thiện Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp với tư cách cũng là một thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục tham gia vào các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong phiên thảo luận, có một điều đại biểu Quốc hội băn khoăn là chế tài đối với người bỏ cọc. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu theo hướng làm sâu sắc hơn nữa và những gì còn có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ góp ý để hoàn thiện.

Đồng thời, Bộ cũng tính đến những vi phạm về mặt tài chính có quy định thêm về cấm tham gia đấu giá hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành hay không.

Đặc biệt, xử lý một số các vụ việc cụ thể. Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem xét bổ sung các chế tài pháp luật quy định chặt chẽ để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách rõ ràng, đảm bảo được triển khai trong thực tế.

 

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Đường phố Hà Nội rực rỡ sắc đỏ mừng ngày lễ lớn của đất nước

Đường phố Hà Nội rực rỡ sắc đỏ mừng ngày lễ lớn của đất nước

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:35

(CL&CS)- Nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2024) và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:53

(CL&CS) - Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người tranh thủ đi du lịch, về quê thăm gia đình, bạn bè… Tại các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội, người dân đổ về đông đúc ngay từ đầu giờ chiều.