Thứ tư, 01/06/2022, 15:08 PM

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ chiêu trò “quân xanh, quân đỏ”, “thắng thầu bỏ cọc” trong đấu giá đất

(CL&CS) - Phát biểu về những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ những vấn đề nổi lên trong đó có tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao, quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá…

Những góc khuất, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất

Tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 trong chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng nay (1/6), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đã chỉ ra những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian.

Quang cảnh phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 sáng nay của Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 sáng nay của Quốc hội.

Cụ thể, thứ nhất, tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất với muôn vàn lý do. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.

"Việc trả giá quá cao rồi bỏ cọc như thời gian vừa qua dẫn đến nhiều hệ lụy, ví dụ như ở Thủ Thiêm, ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà tại TPHCM lên cao để kịp thời bán ra một số lượng lớn nhà đất mà họ đã mua gom trước đó.

Có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng mà nếu thực hiện trót lọt thì có thể rút ruột các ngân hàng. Đáng lưu ý, việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời", đại biểu đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh.

Thứ hai, tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, việc thông đồng có thể diễn ra giữa các người tham gia phiên đấu giá với nhau còn gọi là “quân xanh, quân đỏ” để lót đường cho một nhà đầu tư trúng đã được định sẵn với giá rẻ. Giá trị thực của những lô đất này đã được các quân xanh, quân đỏ dìm xuống.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy còn chỉ rõ, trên thực tế, việc dìm giá còn có cả thủ đoạn sử dụng xã hội đen để đe dọa những người tham gia đấu giá khiến cho họ sợ hãi, bỏ cuộc, rút hồ sơ. Và khi đó, cuộc đấu giá thực chất chỉ còn có một người tham gia, "một mình một chợ", còn những người khác chỉ là quân xanh và giá của những lô đất này như thế nào là do các đối tượng xã hội đen thao túng, đã được định sẵn.

"Đó là thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chỉ cao hơn giá khởi điểm không đáng kể", bà Thủy nói và nhấn mạnh, những thủ đoạn này gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định về đấu giá, đấu thầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Thứ ba, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có "tay trong". Ở mức độ vi phạm đơn giản thì cũng phải có “tay trong” cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin thì mới có thể tổ chức quây thầu, vây thầu để có thể trúng giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của Nhà nước từ những phiên đấu giá.

"Ví dụ như gần đây là vụ án ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn gần 1 nửa so với giá ban đầu, từ 500 tỷ xuống còn 300 tỷ. Và nếu như phi vụ này trót lọt thì Nhà nước sẽ mất gần một nửa tiền. Nhưng đến nay, vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố, trong đó có 2 bị can là cán bộ của Ban QLDA, tuy nhiên, dư luận băn khoăn. Còn nhiều phi vụ tương tự như thế này chưa bị phát hiện hay không?", bà Thủy nêu ví dụ.

Thứ tư, tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu rõ, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.

Từ những vụ án được đưa ra xử lý vừa qua cho thấy, cùng là hành vi móc ngoặc giữa các thẩm định viên với các tổ chức, cá nhân trong đấu giá nhưng đối với những gói thầu về mua sắm trang thiết bị trả bằng ngân sách Nhà nước thì giá được thẩm định đưa ra trong nhiều trường hợp lại cao hơn rất nhiều so với giá thực. Thế còn đối với những lô đất của Nhà nước đưa ra đấu giá thì trong nhiều trường hợp giá được thẩm định đưa ra lại về mức rất rẻ. Mục đích cuối cùng của đẩy giá hay dìm giá đều là để rút ruột, gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Với những chiêu trò như "quân xanh, quân đỏ", thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần phải mạnh tay xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế

Cũng tại phiên thảo luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đất nước, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, hai thị trường này có sự phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, một số sai phạm trong lĩnh vực này đã được phát hiện và đưa ra xử lý.

Nhằm đảm bảo các thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất theo sát giá đất thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để cơ quan thuế địa phương thực hiện nhất quán, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Theo Congluan.vn

Bình luận

Nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 11:02

(CL&CS) - Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:38

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 118/CĐ-TTg ngày 19/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới

Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đã nhấn mạnh, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới về quản lý nhà giáo, những thể hiện về mặt chuyên môn và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo trong xã hội.