CPI tháng 10 giảm 0,2% do giá thịt heo giảm sâu
(CL&CS) - Tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,2% so với tháng trước, chủ yếu đến từ việc giá thịt heo giảm sâu 9,38% đã làm CPI chung giảm 0,32 điểm phần trăm.
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021. Theo đó, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách nên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,21%) và tăng 1,67% so với tháng 12/2020.
Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước (YoY), mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Tháng 10, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá.
Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,28% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,43 điểm phần trăm) do nguồn cung dồi dào khiến giá gạo và giá thịt heo lần lượt giảm 0,25% và 9,38%.
Trong đó, giá thực phẩm giảm 2,05% so với tháng trước do nguồn cung được bảo đảm, người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ. Nổi bật là giá thịt heo giảm 9,38% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,32 điểm phần trăm. Trong tháng 10, dù các biện pháp giãn cách xã hội đã tạm dừng, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng hơn so với tháng trước nhưng giá bán vẫn tiếp tục giảm sâu do lượng cung tồn đọng nhiều từ những tháng trước khiến người chăn nuôi muốn bán nhanh để cắt lỗ.
Việc thịt heo giảm giá cũng gián tiếp giảm giá thịt quay, giò, chả, mỡ động vật, thịt gia cầm tươi sống, trứng các loại, thủy sản tươi sống…
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 10/2021 giảm 0,26% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm), chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt giảm do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm so với tháng trước.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động đối với các mẫu hàng cũ.
Trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,51% (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 25/9/2021, 11/10/2021 và 26/10/2021, trong đó giá xăng A95 tăng 2.940 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 2.970 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 2.690 đồng/lít.
Nhóm giáo dục tăng 0,25% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm). Trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 0,22% do một số địa phương tăng học phí mầm non, học phí đại học mặc dù có một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 10/2021 tăng 0,19% so với tháng trước do nước giải khát có ga, rượu, bia và thuốc lá tăng khi chi phí vận chuyển tăng.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13% so với tháng trước do nhóm vải các loại tăng 0,48% và giày dép tăng 0,07%.
Các nhóm hàng có mức giá tăng không đáng kể so với tháng trước: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% so với tháng trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,09%.
Ngoài ra, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% do dịch vụ cắt tóc, gội đầu và vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% YoY. Bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% YoY, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
N.N
Bình luận
Nổi bật
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00
(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59
(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.