Công bố Quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
(CL&CS) - Ngày 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu về quá trình xây dựng hoàn thiện Quy hoạch.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển của TPHCM theo Quy hoạch, đến năm 2050, TPHCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Quy hoạch xác định 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm.
2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TPHCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp.
3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng thành phố Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.
9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TPHCM đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.
Theo Quy hoạch, TPHCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn Thành phố; thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc Thành phố.
TPHCM cần phát huy '3 tiên phong'
Trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Tuy nhiên, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ 111/111 quy hoạch theo Luật Quy hoạch.
Phân tích vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian: Mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm, không gian ngầm và bảo vệ môi trường; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện hiệu quả; có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của TPHCM trong phòng chống và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục niềm tin của người dân và doanh nghiệp với Thành phố; tăng trưởng GRDP năm 2024 cao hơn trung bình cả nước, thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% thu ngân sách cả nước.
Đánh giá Quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, Thủ tướng khẳng định việc công bố Quy hoạch TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ, Quy hoạch TPHCM đã thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, với tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp và quyết tâm lớn để giải quyết các vấn đề của TPHCM. "Trăn trở, lo toan và trách nhiệm của chúng ta được gói ghém trong quy hoạch, để chúng ta tự hào, tự tin và vững bước đi lên", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, Quy hoạch đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… với một thành phố đất hẹp người đông, còn nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Theo Thủ tướng, Quy hoạch đã xác định rõ các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. Điều quan trọng sắp tới là tổ chức thực hiện Quy hoạch thế nào để biến tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TPHCM thành của cải vật chất, mọi người dân cùng tham gia thực hiện quy hoạch và thụ hưởng thành quả để có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu TPHCM cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong ".
"Một trọng tâm" là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế. Việc huy động nguồn lực của Thành phố phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế.
"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.
"Ba tiên phong", gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; đồng thời không cứng nhắc mà phải linh hoạt để bổ sung điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Để xây dựng đô thị TPHCM hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp tục phát huy vai trò động lực của khu vực và cả nước, Thủ tướng lưu ý cần mở ra không gian đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách mới và chấp nhận rủi ro.
Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, tập trung nguồn vốn cho một số dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Thủ tướng nhắc tới một số dự án, như Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ, kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất, mạng lưới đường sắt đô thị…
Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, coi văn hoá là sức mạnh nội sinh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia ngăn chặn, đẩy lùi 4 nguy cơ, thách thức đối với sự tồn vong của Đảng ta (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch).
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ truyền thống sang môi trường số; nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, đối với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng. Thủ tướng gợi ý TPHCM xây dựng Cung triển lãm Quy hoạch để khẳng định tầm nhìn, khát vọng, nâng cao tự hào của người dân; đồng thời tăng cường công khai, minh bạch, để mọi người dân, nhà đầu tư có thể hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng thành quả của việc thực hiện quy hoạch; đây cũng là một sản phẩm du lịch thu hút du khách và có thể khai thác nhiều dịch vụ khác.
Nhấn mạnh Chính phủ sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng TPHCM trong quá trình phát triển; khi Thành phố có khó khăn, Chính phủ luôn chia sẻ trách nhiệm với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng phải phát huy tinh thần này, hết sức tránh bệnh hình thức, không đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng TPHCM "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, dã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm phải ra kết quả, sản phẩm và tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội của Thành phố; "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Theo Thủ tướng, việc thực hiện Quy hoạch TPHCM là nhiệm vụ không chỉ của TPHCM mà là nhiệm vụ chung của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vùng, TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM, mãi mãi xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và người dân, TPHCM sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, ngày càng phát huy vai trò, vị trí quan trọng, "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình" để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"./.
Hoàng Hiệp
- ▪Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030
- ▪Hà Nội duyệt quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc quy mô hơn 1.000ha
- ▪Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050
- ▪Khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024
Bình luận
Nổi bật
Công bố Quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
sự kiện🞄Thứ hai, 06/01/2025, 13:54
(CL&CS) - Ngày 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới
sự kiện🞄Thứ sáu, 03/01/2025, 08:47
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch).
Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2025
sự kiện🞄Thứ tư, 01/01/2025, 20:47
(CL&CS) - Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và mức 6,1% trong nửa cuối năm.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.