Thứ năm, 12/08/2021, 08:49 AM

Chưa gỡ được thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm mạnh

(CL&CS) - Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay.

Chưa gỡ được thẻ vàng IUU, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU giảm. Ảnh: TCTS

Chưa gỡ được thẻ vàng IUU, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU giảm. Ảnh: TCTS

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị.  

Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).   

So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhậu khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành hải sản khai thác Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ, nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.

Để có đánh giá chi tiết về các nguy cơ này, VASEP phối hợp với các chuyên gia của Đại học Nha Trang và Đại học Kinh Doanh Copenhagen (Đan Mạch) đã hợp tác thực hiện Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. Báo cáo có sự giám sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới quản lý, gồm Chương trình Toàn cầu về Thủy sản (PROFISH) và Chương trình Vì Nền Kinh tế Xanh (PROBLUE).

Báo cáo với trên 60 trang bao gồm 5 phần gồm các nội dung: đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007-2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam và trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.

Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.

Cũng theo công bố từ báo cáo cho thấy, các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.

Báo cáo cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi. Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, với việc  hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tính đến 30/4/2021 cả nước đã lắp đặt được 26.865  tàu, mới đạt tỷ lệ 86,8%. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống giám sát, định vị tàu cá là vấn đề mà Việt Nam cần phải tăng tốc thực hiện nhanh hơn nữa để có được sự quản lý chặt chẽ về hành trình khai thác của từng tàu cá.

Và để triển khai được điều này, cần tuyên truyền cho các ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU, về những điều không được làm để đảm bảo tuân thủ các quy định của IUU, về ảnh hưởng của việc nếu vi phạm IUU sẽ tác động trực tiếp đến đại cục chung của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU và ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường khác, và xa hơn, ảnh hưởng đến chính nghề cá của Việt Nam.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU.

Theo đó, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý là quy định cơ bản về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 01/10/2010. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một hệ thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.

Nguyễn Ngọc

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản nào đang được 'tiếp kháng thể' trở thành 'miếng bánh' đắt khách nhất?

Phân khúc bất động sản nào đang được 'tiếp kháng thể' trở thành 'miếng bánh' đắt khách nhất?

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 16:49

Mặc dù không thể ngay lập tức vực dậy được sau "trận ốm" nhưng một vài phân khúc bất động sản được tiếp thêm "kháng thể" và kỳ vọng sẽ trở thành "miếng bánh" ngon hút khách trong chu kỳ mới.

Toà nhà văn phòng lớn nhất thế giới xô đổ kỷ lục 80 năm của Lầu Năm Góc: Trị giá gần 400 triệu USD, toạ lạc tại ‘thủ phủ kim cương’

Toà nhà văn phòng lớn nhất thế giới xô đổ kỷ lục 80 năm của Lầu Năm Góc: Trị giá gần 400 triệu USD, toạ lạc tại ‘thủ phủ kim cương’

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 16:44

Với diện tích mặt sàn 660.000m2, tòa nhà này đã vượt qua Lầu Năm Góc ở Mỹ để thiết lập kỷ lục là toà nhà văn phòng lớn nhất thế giới.

Giá chung cư tăng 21 quý liên tiếp, thời gian tới liệu có hạ nhiệt?

Giá chung cư tăng 21 quý liên tiếp, thời gian tới liệu có hạ nhiệt?

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 16:27

Thị trường căn hộ chung cư tiếp tục thu hút quan tâm của nhóm có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn. Giá bán trung bình một số dự án tại TP. Hà Nội và TP. HCM dao động 50-70 triệu/m2.