Diễn đàn với chủ đề: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay 19/8.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ ngày 14/4/2022 và Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần được thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo xu thế ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại chương trình, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý 2, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
Đồng thời ông cho biết, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng - Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ. Điều này được thể hiện từ việc tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế cho tới việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng, tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các Hiệp định.
Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cần các giải pháp đồng bộ một số điểm chú ý như sau: đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong...
Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả XK và NK, đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn; khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ... theo các hướng (Xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp); hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) Hải Quan của các nước có FTA...