Ủy ban nước của ASTM International (D19) đã phê duyệt một tiêu chuẩn mới sẽ được sử dụng để xác định vi nhựa trong các mẫu nước tồn tại môi trường.
Ông William Robberson người đại diện tiểu ban vi nhựa và là thành viên của Ủy ban ASTM cho biết, phương pháp thử nghiệm mới (D8401) là tiêu chuẩn đầu tiên có thể xác định lượng vi nhựa tại nguồn nước trong môi trường và là tiêu chuẩn đầu tiên có thể được sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn ASTM khác để thu thập và chuẩn bị mẫu.
“Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng tìm hiểu chất lượng nước từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như sông, hồ hoặc thậm chí nước máy của bạn, có chứa vi nhựa hay không”, Robberson nói. “Những vi nhựa này có thể gây hại cho động vật hoang dã và đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và đo lường những hạt nhỏ này trong khối lượng nước lớn có thể rất khó khăn vì chúng rất nhỏ và dễ bị nhầm lẫn với các vật liệu khác”.
Tiêu chuẩn quốc tế của Uỷ ban ASTM - D8401 sẽ là phương pháp đầu tiên đo được lượng vi nhựa có trong nguồn nước
Theo ông Robberson, tiêu chuẩn mới cung cấp hướng dẫn chi tiết mà các nhà khoa học và chuyên gia môi trường có thể dựa vào đó để xác định và đo lường lượng vi nhựa trong các mẫu nước một cách nhất quán.
Robberson lưu ý rằng tiêu chuẩn mới sẽ hữu ích nhất cho bất kỳ những cá nhân và tổ chức đang mục đích xác định, và nghiên cứu về vấn đề này và loại vi nhựa được cho là nguyên nhân đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, công lý môi trường và bảo vệ. Mặt khác, tiêu chuẩn cũng sẽ có các ứng dụng cho các nhà nghiên cứu vi nhựa, nhà sinh thái học, cơ quan quản lý và cơ sở xử lý nước, cũng như những công dân trong nước đang có nhu cầu muốn tìm hiểu chất lượng nguồn nước.
Nỗ lực này liên quan trực tiếp đến Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên Hợp quốc về nước sạch và vệ sinh, cũng như mục tiêu số 14 về sự sống dưới nước.
Được biết, các hạt vi nhựa được tìm thấy trong nghiên cứu chủ yếu bao gồm polyethylene. Đây là loại nhựa được sản xuất phổ biến nhất trên thế giới, và được sử dụng cho nhiều sản phẩm thường ngày, như nắp chai, túi nhựa…
Vi nhựa thường xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này có thể phá vỡ hệ vi sinh đường ruột, gây viêm nhiễm, dẫn đến các tác động trong toàn bộ cơ thể thông qua hệ thống miễn dịch và hệ thống giao tiếp 2 chiều phức tạp giữa ruột và não.
Chúng ta cũng có thể hít phải vi nhựa trong không khí. Khi các hạt này lọt vào ruột hoặc phổi, chúng có thể di chuyển vào máu và sau đó di chuyển khắp cơ thể, đến các cơ quan khác nhau. Các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy vi nhựa trong phân người, khớp, gan, cơ quan sinh sản, máu, mạch máu và tim.