Theo báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán KB (KB Securities) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp suy giảm trong tháng 2 với tổng giá trị phát hành (GTPH) chỉ đạt 1,165 tỷ đồng (-45,8% so với tháng trước) với kỳ hạn bình quân là 2,87 năm.
Trong đó, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ do 3 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng, vận tải cảng biển và thương mại dịch vụ.
Theo đơn vị này, trong tháng 3, dự tính sẽ có khoảng 10,59 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (+379% so với tháng trước). Trong đó, dự kiến nhóm Bất động sản chiếm 74% còn Tổ chức tín dụng chiếm 11%. Tính cả năm 2024, ước tính có khoảng 279 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115 nghìn tỷ làm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81 nghìn tỷ (chiếm 29%). Số liệu trên chưa tính những khoản đáo hạn “lần 2” sau khi được gia hạn, cho nên áp lực đáo hạn trong năm nay thực chất sẽ cao hơn so với con số trên phản ánh.
Giá trị giao dịch TPDN thứ cấp và hoạt động mua lại tiếp tục giảm Ở thị trường thứ cấp, quy mô giao dịch giảm dần trong 2 tháng đầu năm, tháng 2 đạt 60 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với tháng trước. Hoạt động mua lại trái phiếu cũng chậm lại trong tháng 2 với khối lượng TPDN mua lại đạt 2.494 tỷ đồng (-60% so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, KB Securities cho rằng hoạt động mua lại sẽ cải thiện trong các tháng tiếp theo khi tình hình kinh doanh cải thiện hơn, bên cạnh đó mặt bằng lãi suất thấp cũng là động lực để các doanh nghiệp gia tăng mua lại các trái phiếu phát hành với lãi suất cao trong giai đoạn trước.
Đặt kỳ vọng vào thị trường bất động sản
Theo KB Securities, thị trường TPDN ảm đảm trong 2 tháng đầu năm phần nhiều nguyên nhân đến từ việc một số điều khoản trong Nghị định 65 có hiệu lực trở lại khiến cho quy định về phát hành TPDN khắt khe hơn.
Các chuyên gia phân tích của KB Securities cho rằng khối lượng phát hành sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm khi mà kinh tế ấm lên, thị trường bất động sản hồi phục và theo đó các nút thắt của thị trường TPDN cũng dần được gỡ bỏ.
Bước sang năm 2024, nền tảng lãi suất thấp cả trên thế giới và trong nước sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các kênh tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.
Bàn luận về vấn đề này, ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating - kỳ vọng thị trường này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn.
Còn theo quan sát từ ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT, khi đo ở những thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, sau những đổ vỡ của phân lớp tài sản như trái phiếu sẽ cần 3-5 năm để phục hồi niềm tin, đi theo sẽ cần sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông Tuấn nhận định, dự báo thị trường trái phiếu năm nay sẽ có nhiều màu hồng hơn nhưng để chính thức phục hồi sẽ phải rơi vào năm 2025 trở đi khi những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, tắc nghẽn sẽ về dòng vốn trong bất động sản được giải quyết.