“Thế khó” của môi giới bất động sản vẫn chưa kết thúc?

Thị trường bất động sản chưa hết khó khăn, theo đó những người hành nghề môi giới cũng “lao đao”. Những khó khăn mà môi giới gặp phải vẫn chưa có hồi kết khi mới đây Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) chính thức hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có quy định môi giới bất động sản không được hành nghề độc lập.

Môi giới bất động sản vẫn còn “đắn đo”

Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới cuối năm 2023, chỉ khoảng 20% môi giới địa ốc - tương đương khoảng 60.000 người - còn hành nghề, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng này ngay khi thị trường chớm hồi phục.

Mặc dù trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đã bắt đầu có những động thái tuyển quân trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thực sự ổn định thì nhiều môi giới vẫn còn băn khoăn trong việc quay trở lại với nghề, bởi kèm theo các khoản thưởng nóng cũng là áp lực lớn về doanh số.

Thậm chí ngay cả khi quay lại với nghề, tìm kiếm được khách hàng, hay “chốt deal” thành công thì môi giới lại phải đối mặt với nỗi lo không được thanh toán hoa hồng còn đeo bám bởi nhiều sàn vẫn đang chật vật thu hồi các khoản “nợ khó đòi” từ các chủ đầu tư.

Một khảo sát lương năm 2023 do Navigos Group công bố mới đây cho thấy, thu nhập nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản đã giảm đáng kể, nhiều vị trí giảm một nửa so với 2 năm trước đó.

Với nghề môi giới bất động sản, mức lương cơ bản là từ 3,5-5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền hoa hồng, phụ cấp… thì mức thu nhập trung bình dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Với những người làm lâu năm, mức thu nhập có thể cao hơn, đạt 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng rất ít môi giới đạt được mức này trong năm qua.

Chưa thực sự yên tâm về nguồn thu nhập thì mới đây, lại thêm những thông tin về chính sách khiến môi giới bất động sản “đứng ngồi không yên”. Theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và phải đáp ứng các điều kiện.

Cụ thể, phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Đặc biệt, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Ngoài ra, Điều 62 của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định, môi giới tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng. Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Cùng với đó, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Môi giới cần có sự thay đổi

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thời gian gần đây, suy yếu của nền kinh tế đã dẫn đến giảm nhu cầu và ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản.

Trong năm 2024, dự kiến thị trường bất động sản sẽ mở ra nhiều cơ hội mới khi các vấn đề cơ bản được giải quyết. Quy hoạch đang được cải thiện đáng kể, với 31/63 tỉnh, thành được phê duyệt và dự kiến nhiều địa phương sẽ được duyệt quy hoạch trong khoảng quý I đến giữa quý II/2024.

“Sự xuất hiện của Luật Đất đai sửa đổi trong tương lai sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng để hoạt động môi giới trở nên chặt chẽ hơn, đảm bảo năng lực và chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, trước khi luật được triển khai, đây cũng là cơ hội tốt để môi giới bất động sản có thêm thời gian để nâng cao năng lực và kiến thức của mình”, ông Đính nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

Chủ tịch VARS cũng nhìn nhận, lúc thị trường bất động sản khó, những người môi giới tiếp tục hoạt động được coi là những người có đam mê nghề nghiệp và quyết tâm duy trì nghề tới cùng. Việc một số môi giới rời bỏ thị trường được coi là một cơ chế tự nhiên lọc, tạo ra sự công bằng cho thị trường với những người Môi giới có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm.

Cũng theo theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), thời gian tới các doanh nghiệp môi giới cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, tinh giản hệ thống nhân sự, phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.

“Các công ty cần nhân cơ hội này để nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng dịch vụ cho nhân viên. Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tuyển mộ nhân tài”, ông Khôi nhấn mạnh.

Với từng cá nhân môi giới, đại diện FERI cho rằng các cá nhân cần tranh thủ thời gian rảnh trong “kỳ nghỉ đông” để học hỏi, kiên định trong định hướng nghề nghiệp, sẵn sàng bứt tốc khi thị trường hồi phục. Tuyệt đối không vì “bí quá làm liều”, lừa dối khách hàng làm giảm chữ tín.

“Sau mỗi đợt sàng lọc, số lượng môi giới ngày càng ít đi. Các môi giới sẽ chuyên nghiệp và gắn bó với nghề được lâu dài hơn. Những môi giới nào có đạo đức nghề nghiệp, phục vụ khách hàng tốt thì mới có thể tiếp tục tồn tại ở thị trường này", ông Khôi nói thêm.

TIN LIÊN QUAN