Nuôi con vật “hiền như cục đất", cho ăn thứ rẻ tiền, anh nông dân nhẹ nhàng thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng

(CL&CS) - Được mệnh danh là "bạn thân” của chị Hằng trong truyền thuyết, loài vật này mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp nhiều nông dân đổi đời.

Hằng năm, tại Việt Nam có hàng triệu con thỏ được xuất chuồng, giao đến tay các thương lái, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, hay cả Tây Nam Bộ đều có trang trại nuôi loài động vật này vì đặc tính dễ thích nghi, phát triển ở đa dạng môi trường khí hậu. 

Chủng loại thỏ được nuôi nhiều nhất hiện nay là giống thỏ trắng New Zealand và thỏ trắng California, bên cạnh đó còn có một số giống thỏ nội khác như thỏ Đen, thỏ Xám, thỏ Cỏ và thỏ lai giữa thỏ ngoại, thỏ nội.

Thỏ là vật dễ nuôi, không kén chọn thức ăn và chi phí đầu tư thấp, lại sinh trưởng và sinh sản nhanh, phù hợp với điều kiện của nhiều hộ dân. Hiện nay, đa số người dân chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chú trọng xử lý môi trường, chuồng trại, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh chéo. Ngoài giống thỏ nuôi lấy thịt, một số hộ nông dân còn nuôi loài thỏ cảnh, đáp ứng nhu cầu sở thích, thú vui của khách hàng. 

 

Khi nuôi thỏ, nông dân sẽ gặp không ít trắc trở do đây là con vật "xấu bụng", đường ruột yếu nên phải kỹ lưỡng. Thế nhưng bù lại, thỏ đẻ quanh năm mang đến cho người nuôi nguồn thu nhập ổn định.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho thỏ sinh trưởng, nông dân có thể làm chuồng xây bằng gạch, gỗ, tre hoặc bằng các nguyên vật liệu khác nhưng phải đảm bảo thỏ hoạt động thoải mái. Bên cạnh đó, người nuôi phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, sát khuẩn, đảm bảo vệ sinh. Về dụng cụ đựng thức ăn, có thể tận dụng chai nhựa, chậu sành và lắp hệ thống nước uống tự động, cung cấp đủ nước cho loài động vật này. 

Thỏ là loài động vật ăn tạp thiên về thực vật nên thức ăn xanh vẫn là chủ yếu. Đây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin thiết yếu, bao gồm các loại rau xanh như rau muống, cải xanh, lá khoai lang, cỏ tươi và cây họ đậu. Lưu ý, các loại rau phải được rửa sạch và để ráo nước trước khi cho thỏ ăn, tránh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng. 

Các loại cỏ khô, rơm hoặc cám viên là món ăn khoái khẩu của chúng khi cung cấp năng lượng lâu dài và hỗ trợ tiêu hóa. Đặc biệt, cỏ khô là nguồn chất xơ không thể thiếu giúp thỏ mài răng, tránh tình trạng răng mọc dài. Ngoài ra, các loại thức ăn bổ sung protein cho thỏ như ngô, đậu nành… cũng rất quan trọng để chúng phát triển tốt. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Cam Tuyền, tỉnh Quảng Trị) nhận thấy điều kiện ở địa phương có thể phát triển nuôi thỏ, chị đã đi nhiều nơi để tìm hiểu và quyết định đầu tư trang trại nuôi thỏ, giống New Zealand.

Để khởi nghiệp được với mô hình nuôi thỏ, chị Thanh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua sắm vật tư, thiết bị làm mát, máy bơm nước để vệ sinh chuồng trại, mua con giống... Ban đầu, chị chỉ nuôi 30 con thỏ mẹ sinh sản nhưng nhờ đầu tư chăm sóc bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi nên đàn thỏ tăng trưởng nhanh.

 

Đến thời điểm này, đàn thỏ của gia đình chị Thanh (bên phải) đã lên đến 500 con, trong đó có 50 con thỏ sinh sản, còn lại là thỏ thịt và thỏ con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn thỏ, chị tự trồng thêm cỏ, khoai, chuối, bột cám, bột ngô… tiết kiệm chi phí sản xuất. 

Chị Thanh cho biết, mô hình nuôi thỏ có ưu điểm là sinh sản nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau, cỏ có sẵn trong vườn nhà. Thỏ con nuôi đến tháng thứ 7 là bắt đầu sinh sản, đẻ từ 8-12 con/lứa, mỗi lứa cách nhau 2 tháng. Nếu nuôi thỏ thịt đến tháng thứ 4 là có thể xuất bán với trọng lượng khoảng 2,5 kg/con.

Hiện nay, trang trại của chị Thanh chuyên cung ứng thỏ thịt và thỏ giống, thỏ thịt có giá 100.000 đồng/kg, thỏ giống 140.000 đồng/kg. Từ đó, mô hình nuôi thỏ này mang lại thu nhập cho gia đình chị hơn 120 triệu đồng/năm.

Còn đối với gia đình anh Lê Anh Tuấn (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhờ việc chăn nuôi thỏ bán lấy thịt và giống đã giúp cuộc sống đỡ vất vả, thu nhập ổn định, đủ chăm lo cuộc sống. 

Tình cờ được tham quan trại thỏ ở TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), nhận thấy mô hình nuôi thỏ chưa có ở địa phương, anh Tuấn nuôi thử hơn 10 con thỏ giống. Sau lứa đầu tiên đạt hiệu quả nhất định, anh mạnh dạn phát triển chuồng trại, con giống như hiện nay. Hiện, diện tích chuồng nuôi thỏ của gia đình anh trên 0,2ha. Thỏ giống New Zealand được anh Tuấn mua từ tỉnh Đồng Nai, có đặc tính sinh sản liên tục, ít bị nhiễm bệnh.

Theo anh Tuấn chia sẻ: “Thỏ có thể mang thai 6-7 lần/năm, mỗi lần đẻ được 6-10 thỏ con. Tôi chỉ giữ lại 6-7 thỏ con để nuôi. Nhờ thỏ sinh sản liên tục, năng suất khá cao nên tôi luôn đủ nguồn cung cấp thịt ra thị trường".

 

Đối với anh nông dân này, quan trọng nhất trong chăn nuôi thỏ là phải biết chăm sóc, "vỗ béo" thỏ giống, biết phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi thỏ con.

Loài thỏ hay được nhiều người đánh giá là “xấu bụng” bởi lẽ đặc tính của chúng là ăn chọn lọc phần dinh dưỡng nhất của thức ăn và thải ra phân mềm. Sau đó, chúng tự ăn lại để hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Đây là cơ chế tiêu hóa đặc biệt giúp thỏ phát triển nhanh và khỏe mạnh. Tuy nhiên, thỏ sẽ dễ mắc các bệnh đầy hơi, chướng bụng, nếu không theo dõi và phát hiện kịp thời, chúng sẽ yếu dần và kiệt sức.

Anh Tuấn khẳng định việc nuôi thỏ không quá phức tạp, chỉ cần chuồng trại thông thoáng, thức ăn sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ và người nuôi phải quan tâm sát sao. Với sự kiên trì và tận tâm, mô hình nuôi thỏ của anh ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Mỗi tháng, trừ hết chi phí, anh Tuấn thu về gần 20 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhìn chung, khi nuôi thỏ muốn đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người nông dân không chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn ở thức ăn, vệ sinh chuồng trại mà còn phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thỏ không chỉ cung cấp nguồn thịt sạch, giàu dinh dưỡng mà còn có thể xuất bán thỏ giống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, việc tận dụng phân thỏ làm phân bón hữu cơ cũng mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Mô hình nuôi thỏ không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

TIN LIÊN QUAN