Theo ghi nhận, nhiều mặt bằng cho thuê ở các tuyến đường, vị trí đắc địa tại thành phố lớn dù giá hạ nhưng vẫn ế ẩm, không có người thuê. Một cửa hàng tại phố Hàng Mã (Hà Nội) treo biển cho thuê cửa hàng. Mặt bằng có giá cho thuê đối với cả tầng một và tầng hai là 45 triệu đồng/tháng. Mức giá này đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn không có khách hỏi thuê..
Liên hệ với các chủ nhà đang treo biển cho thuê tại phố Kim Mã, chủ nhà này cho biết, mức giá thuê mặt bằng kinh doanh tại đây dao động 25-80 triệu đồng/tháng, tùy diện tích. Do nhiều người tiêu dùng đang chuyển sang mua hàng online đã khiến hàng loạt nhà mặt phố tại đây không còn hấp dẫn khách thuê vì lợi nhuận không bù được chi phí mặt bằng.
Anh Tuấn cho thuê mặt bằng nhà phố tại quận Đống Đa chia sẻ, mặt bằng tầng 1 có diện tích rộng 130m2/sàn, trước đây khách thuê kinh doanh với giá 80 triệu đồng/tháng nhưng nay cũng phải bỏ trống. Dù đã giảm giá, treo biển mấy tháng nay nhưng vẫn chưa chốt được khách thuê.
Tương tự, căn nhà tại phố Hàng Ngang dù đã treo biển cho thuê nhà hơn năm nay nhưng vẫn chưa tìm được khách. Căn nhà có mặt tiền 6m, tổng diện tích hai tầng 368m2, chủ nhà cho thuê với giá 200 triệu đồng/tháng, giảm một nửa so với thời điểm trước dịch nhưng vẫn không tìm được khách thuê. Đây là tình trạng chung của phần lớn các cửa hàng khu vực phố cổ. Tình hình buôn bán ngày càng khó khăn, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, nên lượng khách thuê giảm mạnh.
Bên cạnh các lý do về giá cả, sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm thương mại, đại siêu thị hiện đại với những tiện ích vượt trội cũng là một phần nguyên nhân khiến mặt bằng nhà phố ngày càng “mất giá”, không còn là ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu lớn. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, thị trường trở nên trầm lắng, người kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh cũng làm thay đổi thói quen mua hàng. Khách hàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo an toàn sức khỏe.
Khảo sát thực tế cho thấy từ cuối năm 2023 đến nay, không ít khách thuê mặt bằng phải “tháo chạy” là do hoạt động kinh doanh thua lỗ. Giá thuê đắt đỏ khiến không ít thương hiệu từ lớn đến nhỏ tìm đường "tháo chạy" khỏi khu vực trung tâm.
Theo diễn biến chung, chuyên gia dự báo nhiều khả năng phải đến cuối năm 2024, thị trường mặt bằng bán lẻ mới dần khởi sắc, song cũng chỉ đạt khoảng 70-80% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Có một thực tế dễ thấy là không ít khách thuê mặt bằng bán lẻ hiện có nhu cầu nhưng vẫn trong trạng thái chờ đợi để có được những mặt bằng rẻ hơn.
Nhận định về tình trạng cho thuê mặt bằng hiện nay tại thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, điều này ảnh hưởng nặng nề đền thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản thương mại. Làm cho niềm tin của các nhà đầu tư bị giảm sút.
Theo ông Đính, để khắc phục tình trạng này phải thay đổi rất nhiều thứ. Trước tiên là xu hướng nhà phố cần hướng đến mục đích thương mại là chính và phục vụ cho các hoạt động du lịch nhiều hơn.
Các doanh nghiệp và chủ cửa hàng cần phải nghiên cứu và thích nghi với thị trường hiện nay đó là ứng dụng về công nghệ trong bán hàng, cùng với đó là các vấn đề biến động khác của thị trường. Đặc biệt là phải cân đối lại giá cả sao cho hợp lý hơn nữa. Khi kinh tế khó khăn nên người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Mặt hàng không phải thiết yếu nên khó khăn cũng là điều dễ hiểu.