Làn sóng giảm giá trên thị trường BĐS ngày càng dâng cao?

(CL&CS)-Giá nhà đất thị trường BĐS giảm mạnh liên tục, thậm chí nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mong muốn “xả hàng” nhanh đã chấp nhận “cắt lỗ”, áp dụng các chính sách ưu đãi chiết khấu lớn lên đến 40 – 50% giá trị sản phẩm.

Nhà đầu tư giảm giá “khủng”

Trong tháng 10 vừa qua, số lượng giao dịch BĐS ở TP.HCM giảm xuống đáng kể song song đó giá BĐS cũng trên đà tụt dốc bởi những khó khăn mà thị trường BĐS đang gặp phải. Mức giá giảm mạnh đến 50% giá cả trên thị trường. Trước đó, tình trạng giá bán BĐS ở thị trường sơ cấp và thứ cấp đã có dấu hiệu tụt nhưng số lượng còn khá ít, chủ yếu là ở những nhà đầu tư cá nhân. Nhưng thời gian gần đây làn sóng giảm giá, cắt lỗ bắt đầu xuất hiện.

Nhiều nhà đầu tư cần tiền gấp nhưng loay hoay mãi vẫn không thể thoát hàng đánh ngậm ngùi chịu lỗ nặng. Theo chia sẻ của Anh Nam (nhà đầu tư, TP.HCM) hơn 1 năm trước anh đã mua căn hộ chung cư tại quận 7 với giá 2 tỷ đồng để cho thuê vì nguồn vốn ban đầu không đủ nên anh đã đi vay vốn ngân hàng.

“Hiện lãi suất tăng quá cao so với dự tính, khách thuê nhà thì tháng có tháng không tôi không đủ chi phí để xoay sở, rao bán với giá gốc nhiều tháng mà vẫn không có tiến triển gì. Tôi đành chấp nhận chịu lỗ giảm giá hơn 500 triệu, chưa kể các chi phi tu sửa, môi giới, tiền thuế”, anh Nam cho biết.

Bên cạnh đó, một vài dự án chung cư mới được mở bán trong thời gian gần đây tại TP. Thủ Đức chào bán với mức giá khoảng 67 triệu/m2 với mức chiết khấu hấp dẫn. Cụ thể một căn hộ 2 phòng ngủ với mức giá 4,7 tỷ giảm còn 2,6 tỷ nếu thanh toán trong một lần vậy đơn giá chỉ còn 40 triệu/m².

Ở phân khúc shophouse, nhà phố, biệt thự một số dự án có chính sách ưu đãi hấp dẫn như chiết khấu cao, voucher, tặng nội thất… để thu hút khách hàng. Trong một dự án khu đô thị mới tại Đồng Nai giá bán shophouse ở đây có mức ưu đãi lên đến 50% giá trị sản phẩm nếu thanh toán hết một lần. Mức giá ban đầu từ 13 – 15 tỷ nhưng sau khi chiết khấu mức giá giảm chỉ còn 6 – 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức ưu đãi hấp dẫn này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và áp dụng đối với một vài sản phẩm BĐS nhất định. Đây được xem là cách hạ giá BĐS gián tiếp bằng phương pháp chiết khấu, ưu đãi đã giúp các doanh nghiệp địa ốc thoát được một lượng lớn hàng tồn.

Làn sóng giảm giá kéo dài?

Trong thời gian qua tình trạng giảm giá diễn ra liên tục cả trực tiếp lẫn gián tiếp, từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cho đến những công ty BĐS lớn. Không ít người tận dụng cơ hội này để tranh thủ “bắt đáy” chờ đợi thị trường tăng trưởng trở lại. Trong khi những nhà đầu tư đã xuống tiền trước đó lại lâm vào thế khó khi giá trị tài sản BĐS sở hữu đột ngột lao dốc.

Theo báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) trong quý III vừa qua ghi nhận tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 33,5%, lượng giao dịch giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trước bối cảnh BĐS thanh khoản khó khăn nhiều nhà đầu tư mới với vốn kinh nghiệm ít ỏi trở nên e dè khi rót vốn vào thị trường, tâm lý chung của các nhà đầu tư này là tiếp tục chờ đợi, xem xét những biến động tiếp theo, vì thế hiện tượng đầu cơ, lướt sóng gần như biến mất. Tuy nhiên, việc này cũng tác động đến nhu cầu mua BĐS khi nhiều người vẫn giữ suy nghĩ chờ giá giảm đến mức thấp nhất rồi mới xuống tiền đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường, nhất là ở những tháng cuối năm vì đây là thời điểm thường có lượng giao dịch sôi động và nhộn nhịp nhất.

Đánh giá về việc giảm giá bán các sản phẩm BĐS các chuyên gia cho rằng đây là việc làm hiển nhiên khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền, không thể tiếp cận được vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, lãi suất tăng cao, tính thanh khoản lại quá thấp, chỉ có thể đặt kỳ vọng vào nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẫy tài chính quá tay thì sẽ tạo nên gánh nặng tài chính lớn. Do đó, việc giảm giá đẩy mạnh nhu cầu là biện pháp hợp lý để có thể thu hồi lại dòng vốn.

Bên cạnh đó, cơn sóng ngầm giảm giá được dự đoán là có thể kéo dài đến cuối năm nhất là đối với những địa phương từng xảy ra cơn sốt nóng trước đó.