Lãi suất vay mua nhà “xuống đáy” nhưng người mua nhà vẫn thờ ơ, chưa “xuống tiền”?

Mặc dù hiện tại, lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay nhưng nhu cầu vay vốn của người dân ít bởi giá nhà còn tăng cao. Cũng có nhiều người vẫn lo ngại về lãi suất thả nổi sau khi ưu đãi kết thúc.

Lãi suất “chạm đáy”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong nửa đầu năm nay, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng hơn 10%, trong khi tín dụng vay mua nhà tiêu dùng chỉ tăng hơn 1%.

Diễn biến này phần nào được phản ánh qua sự ảm đạm trong cho vay bất động sản của các nhà băng. Theo đó, tín dụng phân khúc này tăng thấp dù nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được ngân hàng tung ra.

Theo khảo sát, Ngân hàng Agribank đưa ra với lãi suất vay trung dài hạn phục vụ cho vay mua nhà, nhu cầu đời sống và kinh doanh bất động sản như sau: 6%/năm cố định 6 tháng đầu; 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu (áp dụng với khoản vay có thời hạn tối thiểu 3 năm); hoặc 7%/năm cố định 24 tháng đầu (áp dụng với khoản vay có thời hạn tối thiểu 5 năm).

Tại BIDV, với khách hàng ở Hà Nội và TPHCM, lãi suất vay mua nhà tối thiểu là 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên (kỳ hạn 36 tháng) hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên (kỳ hạn 60 tháng).

Đối với khách hàng ở ngoài Hà Nội và TPHCM, mức lãi suất vay mua nhà tối thiểu là 6%/năm cố định trong 24 tháng hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu (các mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên).

Tại VietinBank, khách hàng được lựa chọn các gói lãi suất như cố định 6,0%/năm trong 12 tháng đầu; cố định 6,2%/năm trong 18 tháng, cố định 6,7%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc cố định 8,2%/năm trong 36 tháng đầu. Biên độ lãi suất sau ưu đãi: 3,5%, hiện tại lãi suất thả nổi của VietinBank rơi vào khoảng 9%/năm.

Tại Vietcombank, các gói lãi suất vay mua nhà đất chỉ từ 5,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay dưới 24 tháng, từ 5,7%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng, 6,5%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên; 8,5%/năm cố định trong 3 năm đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi = lãi suất huy động 12 tháng trả sau của Vietcombank + 3,5%, hiện tại rơi vào khoảng 9%/năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà đang được áp dụng trong khoảng từ 4,6 - 7,3%, tùy thời hạn.

Còn nhóm ngân hàng nước ngoài, so với tháng trước, lãi suất cho vay mua nhà đã có sự điều chỉnh, dao động trong khoảng 5,3 - 7,75%, tùy từng kỳ hạn.

Người mua nhà đang ở đâu?

Hiện nay, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm, song người vay mua nhà vẫn lo ngại về lãi suất thả nổi sau khi ưu đãi kết thúc. Bên cạnh đó, giá nhà neo quá cao so với thu nhập khiến người dân vẫn thân trọng chưa dám vay tiền mua nhà.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng, tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng và đang gấp khoảng 4 - 5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị. Thế nên, dù lãi suất cho vay mua nhà giảm đáng kể trong một năm qua, nhưng giá nhà vẫn neo ở mức cao, khiến nhiều người khó hiện thực "giấc mơ an cư" của mình.

Người mua nhà vẫn chưa mặn mà với việc xuống tiền dù lãi suất giảm mạnh (Ảnh minh họa).

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - lưu ý rằng gói ưu đãi cho vay mua nhà hiện không hiệu quả. Lượng giải ngân tính đến hiện tại là quá ít.

Ông Hiếu thẳng thắn cho rằng: “Chuyện đi vay là một trong những vấn đề quan trọng của thị trường bất động sản. Nhưng nếu không có lãi suất, thời gian phù hợp cho người đi vay thì những chính sách ưu đãi đều có tiếng nhưng không có miếng”.

Thực tế, giá nhà thời gian qua liên tục tăng, nhất là phân khúc chung cư. Để vay mua một căn hộ thuộc phân khúc bình dân dưới 2 tỷ đồng, theo VARS, mỗi gia đình phải có thu nhập ít nhất 35-40 triệu đồng một tháng mới đảm bảo việc chi trả nợ vay và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Trong khi mức thu nhập hiện nay của các gia đình ở đô thị chỉ từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng. Giá và thanh khoản thấp là rào cản khiến dòng tiền chưa thể đổ về với  bất động sản như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, phân tích thêm động lực tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà. Vì vậy để kích cầu vay ở lĩnh vực này cần có các chính sách điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân. Ngoài ra, cần tháo gỡ pháp lý để doanh nghiệp giảm chi phí và linh hoạt hơn về điều kiện cấp tín dụng nhằm kích thích dòng vốn chảy trở lại bất động sản.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property) cho biết, không chỉ người dân mà nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản cũng đang "ngại" vay vốn ngân hàng.

“Tuy nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa quá sâu và sẽ theo lộ trình. Những nhà đầu tư có khoản vay cũ phần lớn "hết lực", không còn nguồn thu nhập khác để duy trì. Do đó, dù lãi suất giảm nhưng họ cũng vẫn rất khó xoay xở. Trong khi đó, những người chưa vay ngân hàng đều thấy mức lãi suất sau ưu đãi hiện nay vẫn rất cao, nếu dùng đòn bẩy tài chính sẽ rất rủi ro” - ông Toản chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN