Đặc biệt, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 là dấu mốc quan trọng, giúp thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý và thực thi quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
Qua hơn 15 năm thực hiện các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã được hoàn thiện, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình.
Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 57 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền của các bộ, ngành, 201 Thông tư, 4 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp ban hành 7 Thông tư liên tịch có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ảnh minh hoạ.
Công tác quản lý, phối hợp thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng được triển khai chặt chẽ, bài bản; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu; có sự thông tin kịp thời về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa cơ quan quản lý nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã giúp Việt Nam từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Việt Nam cũng có gần 300 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có hơn 13.500 tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 62%.