Theo khảo sát trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, nhiều mặt bằng cho thuê bị bỏ trống nhiều tháng chưa tìm được khách thuê. Các khu phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Chùa Bộc,... hàng loạt mặt bằng rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu do khách thuê trả lại mặt bằng.
Tiêu biểu, trên đường Kim Mã, cả một dãy nhà phố đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng. Con phố Nguyễn Thái Học ở gần đó cũng chịu chung số phận với nhiều mặt bằng bị bỏ trống. Điều này cho thấy, tình trạng khách thuê trả mặt bằng nhà phố tại một số khu vực trung tâm tại Hà Nội đang ngày càng tăng.
Chị Nhung, chủ một căn nhà đang cho thuê trên đường Kim Mã cho biết, chị đang cho thuê 3 tầng mặt bằng này với giá thuê nhỉnh 100 triệu đồng/tháng. Song khi hợp đồng thuê hết hạn, người thuê cũ trả lại mặt bằng, căn nhà bỏ trống 3 tháng vẫn chưa tìm được người thuê. Chị có nhờ thêm môi giới tìm mặt bằng, song tình trạng vẫn chưa hết ế ẩm.
Những con phố sầm uất khác ở Hà Nội cũng chịu chung tình cảnh vắng vẻ, treo biển cho thuê như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Thái Hà.. Nhiều mặt bằng từng là cửa hàng quần áo, giày dép tấp nập người ra vào nay ‘cửa đóng then cài’, mòn mỏi tìm khách thuê nhiều tháng nay. Một môi giới thị trường cho thuê nhà phố cho hay, tình cảnh này trái ngược với cảnh chủ nhà hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê cách đây vài năm.
Dù thời gian trước đó, hàng quán sôi nổi, nhộn nhịp, đông đúc khách, với tỷ lệ lấp đầy mặt bằng tại các khu phố này gần như 100%. Tuy nhiên, khi kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu, kinh doanh tại các con phố lớn không còn khả quan như trước.
Ngoài ra, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Theo báo cáo mới đây của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt chi cho mua hàng online trung bình 1 tỷ USD mỗi tháng. Trong đó, 32% người tiêu dùng mua sắm online vài lần một tuần. Do đó, những nhóm hàng như thời trang, phụ kiện... vốn chuộng mặt bằng đẹp trước đây có xu hướng giảm mạnh nhu cầu thuê nhà phố.
Không chỉ dừng lại ở các nhóm hàng như thời trang, phụ kiện… ngành F&B cũng quyết định trả lại mặt bằng sau một thời gian dài kinh doanh tại các tuyến phố lớn. Một chuyên gia F&B cho hay, năm 2024 vừa qua là một năm khó khăn đối với kinh doanh F&B do sức chi tiêu của người dân cho ngành không tăng ngay ở thời điểm cuối năm.
Ngoài thương mại điện tử, sự cạnh tranh với trung tâm thương mại càng khiến nhà phố trở nên kém hấp dẫn với người thuê. Theo đơn vị nghiên cứu Savills Việt Nam, trung tâm thương mại đang là lựa chọn tốt hơn để các thương hiệu triển khai hoạt động kinh doanh. Bởi trung tâm thương mại có sự đảm bảo về pháp lý, kỹ thuật và quy trình quản lý bài bản, trong khi mặt bằng nhà phố vốn gặp nhiều rào cản như quyền sở hữu không rõ ràng, hay thời gian thi công hạn chế.
Cũng theo Savills, nhà phố chịu sự cạnh tranh từ trung tâm thương mại bởi đây là địa điểm có không gian rộng lớn, đa dạng ngành hàng để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn từ thời trang, ăn uống tới giải trí. Vị thế trung tâm thương mại có nhiều ưu thế để cạnh tranh với các mô hình bán lẻ khác.
Anh Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) từng là người đi thuê mặt tiền để kinh doanh ở một khu phố lớn. Anh chia sẻ, chủ nhà đưa ra mức giá thuê rất cao, đi kèm nhiều điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng. Trong trường hợp người thuê muốn trả mặt bằng sớm hơn thời hạn quy định, sẽ phải đền bù 6 tháng tiền thuê nhà và phí trả phạt do vi phạm hợp đồng.
Dù sau một thời gian dài kinh doanh ế ẩm, anh vẫn phải ‘cắn răng’ duy trì cửa hàng để chờ đáo hạn hợp đồng. Trong khi đó, chủ nhà kiên quyết không giảm giá thuê, vì có tâm lý ‘không có người này thì có người khác thuê’.
Xét về tỷ suất lợi nhuận cho thuê, nhà mặt phố ngày càng sụt giảm, theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Batdongsan. Lý do là giá bán bất động sản trung tâm Hà Nội tăng mạnh nhiều tháng qua, trong khi dòng tiền cho thuê vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm nhẹ. Đây là lý do khiến nhiều chủ nhà phố hạn chế giảm mạnh giá cho thuê, nhằm giữ giá trị tài sản.
Hiện lợi suất cho thuê loại hình này đã trở về mức đầu năm 2021, khoảng 3% một năm. "Đây là một con số thấp với thị trường cho thuê", ông Tuấn nói. Con số này thấp hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, trung bình khoảng 6%/năm.
Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan cho rằng dù kinh tế chuyển biến tích cực trở lại, thói quen mua sắm của khách hàng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nhà phố.