Hà Nội: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô

(CL&CS)- Công tác đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô

Sáng 14/11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hoàng Thành Thái, đến nay, trên địa bàn thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chia theo loại hình đơn vị, với 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Thành phố có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn, kiến nghị cho công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học cấp giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; công tác tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Cùng với đó là vấn đề hợp tác công tư; tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; về biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ giáo viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội nêu, cơ sở vật chất của trường được xây dựng từ lâu, không được sửa chữa thường xuyên nên hiện tại đã xuống cấp. Các phòng học lý thuyết không đáp ứng được diện tích quy chuẩn. Trang thiết bị hiện có so với quy mô hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 60%...

TS Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, do tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm. Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng. Nhà trường thiếu các phần mềm, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đào tạo chuyên môn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo…

Từ đó, đề nghị Thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cơ sở 2 của trường để triển khai kịp tiến độ theo phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng. Chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục để mua sắm trang thiết bị đối với nghề Cơ điện tử. Đồng thời bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hoá trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống báo chí để thu hút tuyển sinh. Có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường. Các sở, ngành cung cấp, xây dựng định hướng giúp các trường làm tốt công tác đào tạo…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là dịp quan trọng để lãnh đạo Thành phố lắng nghe, chia sẻ và qua đó đánh giá toàn diện về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo các Nghị quyết của Trung ương và Thành phố. Trong đó, việc phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới cần được đẩy mạnh trên 3 trụ cột quan trọng gồm: Văn hiến, văn hóa Hà Nội; nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Chia sẻ ý nghĩa cũng như những nội dung quan trọng của Chương trình số 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của Thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, trường Đại học Thủ đô, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ chia sẻ với những khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

TIN LIÊN QUAN