Phục hồi kinh tế “giảm tốc”, doanh nghiệp “đau ví”
Việc Fed tăng lãi suất có ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo TS. Cấn Văn Lực, động thái tăng lãi suất của Fed sẽ khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tăng trưởng chậm lại do đà phục hồi kinh tế toàn cầu “giảm tốc”.
Việc tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát khiến chi phí nợ vay của doanh nghiệp và người dân gia tăng. Doanh nghiệp và người dân sẽ thận trọng hơn trong các quyết định chi tiêu hay đầu tư bằng vốn vay. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ giảm, kéo theo sự giảm nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Hiện tại, Mỹ là một trong các đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, tương đương gần 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, động thái tăng lãi suất liên tiếp của Fed ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Fed tăng lãi suất cũng khiến đồng USD mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác, tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND, khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, kéo giá hàng hóa trong nước tăng theo, khiến áp lực lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt về tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng VND vẫn ổn định từ đầu năm, giữ tỷ giá USD/VND chỉ tăng 2%. Ông Phan Linh, nhà sáng lập Công ty Tư vấn đầu tư Take Profit cho biết, mức tăng tỷ giá USD/VND đang thấp hơn nhiều đồng tiền khác trong khu vực, đều trên 5% như: Indonesia (6%), Malaysia (5%), Lào (30%), Nhật (20%,)...
Lãi suất cho vay bằng đồng USD tăng khiến chi phí vốn vay nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tăng theo. Tính đến cuối năm 2021, nợ nước ngoài của Việt Nam đã chiếm 40% GDP. Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới thắt chặt, việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế trở nên khó khăn hơn và phải chịu chi phí lãi vay cao hơn.
Mặt bằng lãi suất trong nước cũng bị tác động khi Fed tăng lãi suất cơ bản. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Everest (EVS), lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 30 - 70 điểm phần trăm từ đầu năm tới nay do lãi suất huy động tăng. Điều này khiến chi phí lãi vay trong nước tăng, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn trong kế hoạch tài chính. Tuy nhiên, theo EVS, lãi suất cho vay có thể giảm từ 20 - 50 điểm cơ bản vào cuối năm nhờ gói bù đắp lãi suất 2% của Chính phủ.
Dù Fed tăng lãi suất gây áp lực tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương, trong đó có NHNN Việt Nam, song chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI dự báo, mức tăng sẽ không lớn. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, lãi suất chỉ tăng thêm 0,3 - 0,5%. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0 - 6,2%/năm vào cuối năm 2022. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bình quân đang ở mức 5,7%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 7,0%/năm trước dịch Covid-19.
NHNN cũng cho biết, nếu lãi suất điều hành điều chỉnh tăng trong năm nay cũng chỉ ở mức 0,25 - 0,5% do cơ quan này cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng vốn tín dụng sẽ ưu tiên “đổ” vào lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực: công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Fed tăng lãi suất, TTCK “mở cờ trong bụng"
TS. Cấn Văn Lực cho biết, khi Fed tăng lãi suất, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn tại các thị trường nước ngoài về đầu tư tại thị trường Mỹ, vừa để để tránh rủi ro, vừa để “ăn” lãi suất hấp dẫn hơn. Động thái này thực tế đã xảy ra trong năm 2021, dự kiến tiếp tục xảy ra đối với TTCK Việt Nam trong năm 2022.
Mặc dù vậy, ông Lực nhận định, xu thế này không quá rõ ràng và không ảnh hưởng đáng kể đến TTCK Việt Nam. Bằng chứng là, trong nửa đầu 2022, khối ngoại đã mua ròng 2.100 tỷ đồng trên TTCK.
Nhìn lại số liệu lịch sử, cứ mỗi lần Fed tăng lãi suất, TTCK cũng tăng theo. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), TTCK Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục duy trì đà tăng khi Fed bắt đầu giảm và dừng chính sách nới lỏng tiền tệ và những lần tăng lãi suất đầu tiên.
Cụ thể, trong 3 giai đoạn 1998 - 2000, 2004 - 2007 và 2016 - 2018, chỉ số S&P 500 đều ghi nhận xu hướng tăng và tạo đỉnh, nhưng lại lao dốc khi Fed bắt đầu giảm lãi suất. Trong lần tăng lãi suất 2013 - 2014 thì cả chỉ số S&P 500 và VN-Index đều ghi nhận xu hướng tăng.
Ngay sau khi thông tin Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, trong phiên giao dịch 27/07, TTCK Việt Nam ghi nhận giao dịch hứng khởi cao cả về dòng tiền và điểm số thị trường. Cụ thể, trong phiên giao dịch này, Chỉ số VN-Index tăng 17,08 điểm (1,43%) lên mốc 1.208,12 điểm. Trong khi đó HNX-Index cũng bứt phá 5,32 điểm (1,87%) đạt 289,84 điểm và UPCoM-Index tăng 0,71% ở 89,5 điểm. Trong đó có 765 mã tăng giá so với 215 mã giảm giá và 161 mã đứng tại tham chiếu.
Dòng tiền cũng bất ngờ được thu hút trở lại trên sàn chứng khoán với tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt 18.350 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.956 tỷ đồng, tăng vọt 75% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 đến nay.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, VN-Index đang trong xu hướng phục hồi với ngưỡng kháng cự quan trọng lần lượt ở mức 1.200 - 1.220 điểm. SSI lưu ý nhà đầu tư nên thận trọng với các nhóm ngành: chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thép và ngân hàng.
SSI cũng cho rằng, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn này, vì cổ phiếu trong cùng nhóm ngành không biến động giống nhau nên nhà đầu tư nên cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư.