Dư nợ tín dụng bất động sản tăng 11,81% đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay tiêu dùng.

Dư nợ bất động sản liên tục tăng trong giai đọa 2015-2023

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi tới đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Theo đó, giai đoạn 2015-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng.

Giai đoạn 2015-2016, con số dư nợ tín dụng bất động sản chỉ rơi vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu khoảng 4,2%. 

Năm 2017, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng của hệ thống ngân hàng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn tăng cao.

Năm 2019 tín dụng cho vay bất động sản tăng đột biến 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng, trong thời điểm dịch bệnh 2020-2021 thì dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%. Vào năm 2022 dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn. Tín dụng với lĩnh vực địa ốc chiếm tỷ trọng 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực này, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các nhà băng từ 24-34%. 

Thời điểm 2020-2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%.

Tiếp đó, năm 2022, dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.

Về bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, theo Ngân hàng Nhà nước, lũy kế trong giai đoạn 2015-2023 các tổ chức tín dụng đã cam kết bảo lãnh khoảng 307.000 tỷ đồng.

Còn tại thời điểm tháng 12/2023, số dư cam kết phát hành cho người mua nhà vay khoảng 35.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang mua khoảng 191.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tháng 12/2023.

Trước đó, dư nợ tín dụng dành cho bất động sản ở các tổ chức tín dụng cũng ghi nhận có sự gia tăng tương đối lớn khiến nhiều người đặt ra lo ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số liệu này có tăng nhưng chưa đáng lo ngại.

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành địa ốc năm 2023 là 14%. Điều đó thể hiện, người dân chưa dám bỏ tiền mua nhà mua đất và vẫn thận trọng, nghe ngóng tình hình thị trường hồi phục lẫn sự “thẩm thấu” của các cơ chế, chính sách đã được ban hành gần đây.

Phân tích vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, điều này chưa đáng để quan ngại lo lắng, vì thực tế tổng dư nợ của lĩnh vực địa ốc đối với nền kinh tế vẫn ở ngưỡng an toàn và thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Làm rõ hơn, TS Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản trong năm ngoái chỉ đạt trên 6%, ngay cả việc đạt mức độ tăng trưởng 14% như mục tiêu đặt ra thì rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo. Vốn từ ngân hàng đổ vào lĩnh vực này không đáng phải lo bởi vẫn còn nhiều kênh vốn khác khả quan đang chờ để tham gia thị trường.

Đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho hay, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng, an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như cho hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỷ trọng thấp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhất là xem xét cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

TIN LIÊN QUAN