Dòng tiền vào bất động sản chưa “khởi sắc”, người dân vẫn “cất tiền” vào ngân hàng?

Lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng đến cuối tháng 8 đạt 6,92 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy, người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng thay vì chọn các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.

Kỷ lục tiền gửi mỗi ngày

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến hết tháng 8 đạt 6.924.889,15 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 8 tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính bình quân theo ngày, trong tháng 8, mỗi ngày có 2.882 tỷ đồng của người dân được gửi vào ngân hàng.

Số liệu của NHNN cho thấy, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu kỷ lục trong năm 2023. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại kể từ tháng 4/2024 được xem là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn.

Theo khảo sát, so với đầu năm nay, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,5% - 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài tăng vượt ngưỡng 6%/năm tại nhiều ngân hàng. Thị trường hiện tại có một số ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6% - 6,15%/năm đối với kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Người dân vẫn “thờ ơ” với bất động sản

Việc tiền gửi vào ngân hàng mỗi ngày của người dân đạt mức kỷ lục đã cho thấy tiền trong dân vẫn rất nhiều, song thay vì chọn các kênh đầu tư mạo hiểm như bất động sản hay chứng khoán thì người dân vẫn “chuộng” tính an toàn hơn đó là gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi giá bất động sản đang quá cao, trong khi lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức cao khiến người dân trở nên “dè dặt” hơn khi quyết định xuống tiền mua bất động sản.

Theo các chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, nhu cầu mua nhà chưa phục hồi do sự hạn chế về nguồn cung nhà ở. Bên cạnh đó, giá nhà ở (nhất là nhà chung cư khu vực trung tâm) tăng mạnh thời gian qua, gây ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư và người vay mua nhà để ở. Trong nửa đầu năm nay, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng hơn 10%, trong khi tín dụng vay mua nhà tiêu dùng chỉ tăng hơn 1%.

Người mua nhà vẫn chưa “mặn mà” xuống tiền thời điểm hiện tại (Ảnh minh họa).

Cho vay mua nhà được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của tín dụng bán lẻ trong thời gian tới, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư vẫn ở mức cao.

“Chúng tôi cho rằng, tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi nguồn cung khả quan hơn, với các dự án tiếp tục được đẩy nhanh triển khai sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý, đặc biệt sau khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như của người mua nhà”, chuyên viên phân tích VCBS nhận định.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam chia sẻ, dù nhu cầu tìm mua nhà đã tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ thanh toán thành công chưa cao. Bởi nhiều người lo ngại lãi suất vay mua nhà sẽ tăng cao khi hết ưu đãi nên chưa dám vay ngân hàng để mua nhà.

"Thực tế, lãi suất luôn là yếu tố mấu chốt để người mua nhà ra quyết định có vay hay không. Dù lãi suất cho vay mua nhà ở thời điểm hiện tại giảm mạnh, nhưng câu chuyện thu nhập giai đoạn này vẫn còn bấp bênh với nhiều người. Chưa kể, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trở lại, từ đó có thể kéo theo biến động về lãi suất cho vay trong thời gian tới”, ông Tuấn phân tích.

Còn ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định rằng, việc giảm lãi suất cho vay mua nhà có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân. Tuy nhiên, ông Đính nhấn mạnh rằng đây chưa phải là giải pháp toàn diện để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính vẫn là giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội và các gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo ông Đính, để đảm bảo khả năng chi trả nợ vay mua nhà và đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng tháng, mỗi gia đình cần có thu nhập tối thiểu từ 40 - 50 triệu đồng.

TIN LIÊN QUAN