Chuẩn bị nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

(CL&CS)- Sau dịp Tết dương lịch chính là thời điểm “gấp gáp”, tất bật của các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề sản xuất hàng hóa, để kịp hoàn thành các đơn hàng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nguồn hàng hoá phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.

Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trị giá gần 41.000 tỷ đồng. Dự báo nguồn cung của 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn Thủ đô. Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18.000 điểm bán hàng Tết.

Theo thống kê, Hà Nội quy tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề tập trung ở các huyện ngoại thành cho hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu và hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề.

Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…Dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm…

Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội, nông dân trồng rau vụ đông đang tích cực chăm sóc, thu hoạch; đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết.

Nông dân Mê Linh chuẩn bị nguồn rau an toàn cung ứng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).

Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, năm 2023, đàn vật nuôi phát triển ổn định, tổng đàn lợn tăng 4,2%, đàn gia cầm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt hơn 7,6 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả…

Do vậy, nguồn cung thực phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong dịp Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi có thể sẽ tăng nhẹ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết thêm, các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đang đẩy mạnh sản xuất. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Tổng đàn lợn của Hà Nội đạt gần 1,5 triệu con, đàn gia cầm 41,9 triệu con, thành phố tiếp tục chú trọng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… và một số vùng chăn nuôi hữu cơ. Hiện Hà Nội có 32 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi bò, 2 cơ sở chăn nuôi dê, 16 cơ sở chăn nuôi lợn, 11 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, với chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất tới khâu giết mổ, chế biến..., gồm các sản phẩm thịt lợn, giò nạc, giò mỡ, chả, xúc xích bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, cần tổ chức sản xuất gắn với thị trường, phù hợp thực tiễn của từng vùng; tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi. Xây dựng thêm các chuỗi sản xuất tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và theo hướng hữu cơ để nâng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, trong đó lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.

Cùng với đó, ngành chăn nuôi có hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện thời tiết và tình hình thực tế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nâng cao vai trò của mình trong khâu chuyển giao, áp dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động sản xuất chăn nuôi. Các nông hộ nên chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt tỷ lệ ít nhất hơn 80% tổng đàn. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đàn vật nuôi hiện giữ được nhịp tăng trưởng tốt, cho nên sẽ bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

TIN LIÊN QUAN