Chưa yên tâm…
Trong thư gửi Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các Hiệp hội cám ơn Bộ trưởng đã có những tiếp thu và chỉ đạo hoàn thiện sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng) tại cuộc họp với các Hiệp hội sáng 18/10.
“Các Hiệp hội luôn ủng hộ và cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để các ngành hàng không chỉ hội nhập tốt hơn, cải thiện môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai…”- Các Hiệp hội khẳng định.
Đồng thời trình bày, theo chỉ đạo của Bộ trưởng trong cuộc họp sáng 18/10, mặc dù thời gian rất gấp rút nhưng đã có 5 đại diện của các hiệp hội tham gia làm việc trực tiếp với Ban Soạn thảo ngay vào buổi chiều 18/10/2021.
Tại buổi làm việc, các bên đã tạm nhất trí được về hướng thực hiện một số vấn đề theo chỉ đạo của Bộ trưởng, chờ Ban Soạn thảo đưa ra phương án cụ thể để rà soát chi tiết, nhưng cũng còn 7 vấn đề các Hiệp hội cho rằng Ban Soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.
Vì tầm quan trọng của Dự thảo liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, các Hiệp hội tha thiết đề nghị Bộ trưởng và Thứ trưởng chỉ đạo Ban Soạn thảo hoàn thiện đầy đủ Dự thảo theo đúng những nội dung đã được Bộ trưởng tiếp thu và chỉ đạo tại cuộc họp sáng ngày 18/10.
Đồng thời trân trọng đề nghị Bộ trưởng chủ trì thêm một cuộc họp giữa Ban Soạn thảo và các Hiệp hội để hoàn thiện tốt nhất Dự thảo như chỉ đạo của Bộ trưởng.
Dự thảo Nghị định sai ngay từ cách tiếp cận
Tại Hội thảo do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức chieuf ngày 18/10, TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận xét: So với những phiên bản đầu, Dự thảo đã được tiếp thu đến 70- 80%. “Đến bản Bộ Tư pháp thầm định là một bước tiến dài!”- Ông khẳng định.
Tuy nhiên ông Tùng thẳng thắn khi cho rằng còn những quy định mang dấu tích “ôm quyền lợi”, hay “cài cắm”. Chia sẻ về cách công chức cấp Đánh giá tác động môi trường (ĐMT) trước đây, ông Tùng cho rằng quy định trong dự thảo này “y như thế” : “Hướng dẫn không rõ ràng, chung chung, không liên thông, không công nghệ thông tin, thủ tục phức tạp, mức độ chuyển đổi số rất thấp, không tham khảo kinh nghiệp nước ngoài..”- Ông nhận xét.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, mấu chốt của vấn đề là Ban soạn thảo vẫn tiếp cận theo cách cũ, lạc hậu, không hiệu quả, tăng thêm chi phí, bộ máy …
Chuyên gia này cho rằng Luật chỉ có 130 trang nhưng Dự thảo có tới 300 trang; Trong rất nhiều cái “không” mà ông đã từng đề cập đến (Không rõ ràng, không minh bạch, không tiên lượng, không khả thi, không hiệu quả…) thì dự thảo này còn không hợp pháp, không thực tiễn, không khoa học.
Dẫn các quy định trong Dự thảo, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh việc Luật không quy định nhưng đưa vào Nghị định là phi pháp. “Tôi đề nghị không nên ban hành Nghị định này mà cần phải làm lại, nhất là trong bối cảnh DN đang rất khó khăn vì COVID-19 như hiện nay…”-TS Cung đề nghị.
Liên quan đến quy định về đóng góp tài chính trong Dự thảo, TS Cung thẳng thắn: “Với cách quản lý này mất tiền mà không bảo vệ được môi trường. Mặc dù là Tổng cục Môi trường nhưng với dự thảo này họ không biết làm gì để bảo vệ môi trưởng ngoài cấp phép. Trong khi giải pháp cho vấn đề này phải là giải pháp thị trường để toàn dân tham gia bảo vệ môi trường…”- TS Cung đề nghị.
Ông cũng thẳng thắn khi cho rằng việc tiếp thu của Bộ TN&MT sáng 18/10 chỉ là động thái “rút củi đáy nồi”. “Chúng ta tiếp tục trả giá thêm về môi trường nhưng môi trường vẫn xấu. Phải bám sát , tạo áp lực đủ lớn để thay đổi...”- Ông đề nghị.
7 vấn đề bất cập chưa được Ban soạn thảo tiếp thu: 1. Những vấn đề đã quy định trong Luật thì thực hiện theo Luật (bãi bỏ Văn phòng EPR…) 2. Cần quy định khung pháp lý quản lý khoản đóng góp để đảm bảo rõ ràng, công bằng và bình đẳng 3. Triệt để cải cách thủ tục hành chính về 5 nhóm nội dung, hồ sơ phải đơn giản hóa, số hóa. 4. Rà soát để danh sách áp dụng quản lý rủi ro không giống nhau mà có sự ưu tiên… 5. Việc thu hồi phương tiện giao thông phải có cơ sở pháp lý, sản phẩm sau khi thải bỏ thì mới gắn với trách nhiệm của DN. 6. Nguy cơ, quy mô ô nhiễm lớn thì mới đưa vào danh mục Phụ lục 2. 7. Xem xét giãn, hoãn lộ trình áp dụng để hỗ trợ DN do dịch COVID-19 |