Dữ liệu cũ
Thứ ba, 22/09/2015, 07:02 AM

Thanh toán không dùng tiền mặt: Ví điện tử vẫn yếu thế

(NTD) - Ví điện tử là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt đang rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, các ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá thấp so với các hình thức thanh toán khác, đặc biệt là bằng tiền mặt.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ví điện tử (e-wallet/digital wallet) là hình thức thanh toán được nhiều ông lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử như Google, Amazon, Ebay tin dùng, với khả năng cùng một lúc chứa thông tin nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau của khách hàng với hệ thống bảo mật tốt hơn hình thức thanh toán bằng thẻ.

Công nghệ trên thiết bị di động thông minh cũng đang giúp việc thanh toán điện tử trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với công nghệ nhận diện dấu vân tay, NFC (Near Field Connection, giao tiếp tầm gần), chiếc điện thoại di động thông minh hiện tại đã sẵn sàng để được sử dụng như một chiếc thẻ tín dụng vạn năng, giúp trải nghiệm mua hàng của người dùng ngày một tốt hơn.

Tại Việt Nam, ứng dụng ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép qua Thông tư 39/2014/TT-NHNN, quy định rõ về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật.

Ví điện tử xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 4-5 năm trở lại đây và hiện nay đã có khá nhiều “tay chơi” tham gia thị trường, điển hình là Payoo, Ngân lượng, MoMo, Mobivi, Vinapay...

Các ông lớn ngoại cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam và đã tìm cách thâm nhập nhằm tranh giành thị phần. Vào năm 2011, Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) đã bỏ ra 60 tỷ đồng để mua 40% cổ phần của hệ thống ví điện tử Payoo do CTCP Trực tuyến cộng đồng Việt quản lý.

Tuy nhiên, dù được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng như một hình thức thanh toán bổ sung có tính bảo mật cao, các số liệu thống kê vẫn cho thấy người dùng Việt vẫn thờ ơ với ví điện tử.

ví điện tử
Điện thoại di động có cài ứng dụng ví điện tử có thể thay thế các thẻ tín dụng truyền thống trong tương lai.

Yếu thế so với các hình thức thanh toán khác

Dù có đến khoảng 40 triệu người sử dụng internet, tuy nhiên, lượng người sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến hiện vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2014 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA), chỉ khoảng 6% người dùng ví điện tử trong số các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Hình thức chuyển khoản vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng tăng qua các năm (97% doanh nghiệp sử dụng hình thức chuyển khoản trong thanh toán thương mại điện tử).

Ngoài ra, cũng theo báo cáo của VECITA, việc chỉ có 15% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử - sân chơi chính của các ứng dụng ví điện tử, đã khiến loại hình thanh toán này vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam.

Theo số liệu công bố sàn giao dịch thương mại điện tử sendo.vn (thành viên của Tập đoàn FPT), khách hàng giao dịch chủ yếu vẫn chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (Cash on delivery - COD), chiếm đến 72% trong số các hình thức thanh toán.

“Việc khách hàng chuộng hình thức thanh toán COD khiến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn tăng cao hơn, do khả năng hủy đơn hàng của đối tượng này cao hơn hẳn so với đối tượng đã thanh toán trực tuyến”, ông Trần Hải Linh chia sẻ.

Bảo mật cũng là một nguyên nhân khiến việc thanh toán qua ví điện tử nói riêng và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nói chung gặp nhiều khó khăn. Dù đã có khoảng 80% doanh nghiệp có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân (theo báo cáo của VECITA năm 2014), tâm lý e ngại lộ thông tin cá nhân khiến người dùng vẫn chưa mặn mà với hình thức thanh toán qua ví điện tử.

Dù vậy, ông Alexandre Dardy, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam này sẽ tiếp tục hướng người dùng sử dụng các ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng di động, trong đó có thanh toán qua ví điện tử.

“Lazada sẽ cải tiến công nghệ giúp ích cho việc mua hàng thuận tiện và bảo mật như phát triển các ứng dụng điện thoại, phát triển hệ thống sinh thái thanh toán qua điện thoại, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, khuyến khích khách hàng tiếp cận nhiều hơn với hình thức cho vay tiêu dùng như giới thiệu các công ty cung cấp dịch vụ tài chính”, ông Dardy khẳng định.

Hình thức bảo mật 2 yếu tố (Two-factor authentication - cung cấp mật khẩu và phải cầm trên tay điện thoại được sử dụng để giao dịch) đã được nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng ví điện tử triển khai gần đây, điển hình là MoMo.

Nhờ những hình thức bảo mật tiên tiến và tiện dụng, ví điện tử đang là cầu nối giữa ngân hàng với người tiêu dùng và được các chuyên gia trong ngành hy vọng sẽ là công nghệ thanh toán phổ biến trong thời gian ngắn sắp tới.

 Quân Vũ

Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây.

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.