Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của doanh nghiệp

(CL&CS)- Câu chuyện về việc tuân thủ bền vững đang "sôi sục" trong thời gian gần đây bởi những thay đổi tại thị trường EU, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng quan các quy định quốc tế chính ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và doanh nghiệp trên toàn cầu. Nguồn: BanQu

Tổng quan các quy định quốc tế chính ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và doanh nghiệp trên toàn cầu. Nguồn: BanQu

Khi phát triển bền vững trở thành trọng tâm của thương mại toàn cầu

Phát triển bền vững không bao giờ là hành động của khu vực hay một quốc gia đơn lẻ. Một bài nghiên cứu gần đây của Green Transition - đơn vị tư vấn chiến lược về bền vững đã nhấn mạnh mối tương quan giữa các hoạt động kinh doanh toàn cầu và các mục tiêu bền vững. Do đó, thế giới đang chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của các quy định bền vững trên toàn chuỗi giá trị trong thập kỷ qua. Phần lớn các luật mới có phạm vi rộng nhất đến từ Liên minh châu Âu (EU).

Với các quy định mới của EU như Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) và Chỉ thị Thẩm định Tính Bền vững Doanh nghiệp (CSDDD), tuân thủ bền vững đang trở thành yêu cầu thiết yếu cho các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị mua hàng từ EU hiện phải đảm bảo tính minh bạch trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, tạo áp lực ngày càng tăng đối với các nhà cung cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt hơn. Từ phía các nhà cung cấp, sự thay đổi này vừa là thách thức vừa là cơ hội: thích ứng đồng nghĩa với việc duy trì tính cạnh tranh và đảm bảo quan hệ đối tác lâu dài trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh tuân thủ quy định, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ nhiều phía: Chính sách nội bộ và hệ thống quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng của đối tác, cùng với yêu cầu minh bạch về bền vững ngày một tăng của nhà đầu tư, tổ chức tài chính.

Doanh nghiệp Việt Nam: Muốn tham gia cuộc chơi, lựa chọn duy nhất là hành động và thích ứng

Đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam thuộc chuỗi giá trị trực tiếp của các doanh nghiệp EU, việc chủ động trao đổi với khách hàng về nghĩa vụ pháp lý của họ đối với CSRD hoặc CSDDD là vô cùng quan trọng. Điều này giúp chuẩn bị tốt hơn và đảm bảo tính liên tục cho quan hệ đối tác. Hành động từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động và thích ứng nhanh chóng với các yêu cầu mới.

Mặt khác, những doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sang thị trường EU hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới tại đây, việc tiến tới các tiêu chuẩn bền vững này có thể trở thành lợi thế cạnh tranh then chốt, mở ra cơ hội đưa sản phẩm và dịch vụ Việt Nam đến các thị trường khắt khe hơn. Một khi cánh cửa này mở ra, không chỉ là biên giới EU, mà việc tuân thủ các tiêu chuẩn của EU sẽ cho phép tiếp cận thị trường của hầu hết mọi quốc gia.

Để có một con số minh họa khác, tính toán sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) có thể làm giảm GDP hàng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Mặc dù đây không phải là con số lớn so với nền kinh tế hơn 400 tỷ USD của cả nước, nhưng sự xuất hiện của các cơ chế định giá carbon tương tự ở các thị trường như Anh, Mỹ, Úc, Canada và cả ở châu Á (Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc) báo hiệu một thách thức dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế.

Sự phức tạp của quy định bền vững sẽ tăng khi tuân thủ toàn chuỗi giá trị trở thành trọng điểm.

Sự phức tạp của quy định bền vững sẽ tăng khi tuân thủ toàn chuỗi giá trị trở thành trọng điểm.

Đưa bền vững vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ không dễ dàng

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững không chỉ đòi hỏi sự thay đổi về tư duy mà còn yêu cầu sự đầu tư đáng kể về nguồn lực và kiến thức chuyên môn. Các doanh nghiệp không thể chỉ dừng lại ở việc biết tên CSRD, CSDDD hay CBAM. Việc hiểu rõ và áp dụng các tiêu chuẩn này vào thực tiễn đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về các khía cạnh kỹ thuật phức tạp.

Hơn nữa, trong việc tuân thủ bền vững cho chuỗi cung ứng, sự phối hợp và đồng hành từ tất cả các đối tác là yếu tố then chốt. Thách thức về dữ liệu, tài chính và sự đồng bộ thông tin sẽ là những rào cản mà doanh nghiệp cần vượt qua.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về bền vững không ngừng thay đổi và phát triển. Việc cập nhật liên tục các thay đổi như Chỉ thị Omnibus mới đây là điều cần thiết để đảm bảo tuân thủ và tránh các rủi ro pháp lý. Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và nắm bắt các thông tin mới nhất từ các cơ quan quản lý, tổ chức chuyên môn và các nguồn tin đáng tin cậy.

Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển đổi bền vững.

Để giúp doanh nghiệp nắm bắt những thay đổi pháp lý và chuẩn bị tốt hơn, Green Transition: Hub tổ chức sự kiện trực tuyến vào tháng 4/2025. Green Transition và ESG Matters sẽ dẫn dắt cuộc thảo luận, với sự tham gia của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM và đại diện từ cả phía nhà cung cấp và người mua.

Webinar này là cơ hội giá trị để cập nhật những thông tin mới nhất về tuân thủ bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị EU. Người tham dự sẽ được lắng nghe trực tiếp từ các doanh nghiệp và chuyên gia ngành về những thách thức thực tiễn và các phản ứng chiến lược. Sự kiện cũng sẽ chia sẻ những câu chuyện bền vững từ các doanh nghiệp lớn như Khu công nghiệp DEEP C và Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ, được chia sẻ bởi các lãnh đạo cấp cao của họ.

Sự kiện được bảo trợ bởi Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam (BeLuxCham), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), và nhiều hiệp hội doanh nghiệp, tạp chí và tổ chức giáo dục uy tín khác.

Lữ Ý Nhi

Bình luận

Nổi bật

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của doanh nghiệp

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ hai, 24/03/2025, 13:35

(CL&CS)- Câu chuyện về việc tuân thủ bền vững đang "sôi sục" trong thời gian gần đây bởi những thay đổi tại thị trường EU, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nhân đề xuất 'gỡ vướng' để doanh nghiệp tư nhân bứt tốc

Doanh nhân đề xuất 'gỡ vướng' để doanh nghiệp tư nhân bứt tốc

sự kiện🞄Thứ hai, 24/03/2025, 07:50

(CL&CS)- Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nhân với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp tư nhân trở thành lực lượng nòng cốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

TS Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế

TS Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế

sự kiện🞄Thứ hai, 24/03/2025, 07:50

(CL&CS)-Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế… Nhiều doanh nghiệp mãi không “chịu lớn”.