Cuộc tranh giành hộ lý Việt giữa Nhật Bản và Đài Loan
(NTD) - Đài Loan có hơn 18.000 người Việt đang làm việc tại gia đình và trong các nhà dưỡng lão. Nhật Bản đặt kế hoạch thu hút ít nhất 10.000 lao động Việt Nam làm trong ngành điều dưỡng. Hệ thống an sinh xã hội của hai nơi này đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Cả hai đang hướng đến Việt Nam và Đông Nam Á để bổ sung nguồn lực trong ngành này...
Buổi sáng thứ Năm tại một nhà dưỡng lão Long Jiang Sanatorium ở Đài Bắc, các cụ già ngồi xe lăn tham gia buổi huấn luyện chung với những người chăm sóc họ có quốc tịch Đài Loan và Indonesia. Giám đốc nhà dưỡng lão - Wu Ti-ming - cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Chăm sóc cộng đồng dành cho người cao tuổi Đài Bắc - nói rằng những hộ lý này là tài sản quý của Đài Loan mà nay Nhật Bản đang dòm ngó.
“Người Nhật nay đang dòm ngó nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc người già ở Đài Loan. Họ đặc biệt chú trọng người Đài Loan và cả người nước ngoài đã từng làm việc tại đây” - ông Wu nói.
Ông Wu nói với tạp chí Common Wealth rằng các công ty tuyển dụng lao động của Việt Nam đang lập các trung tâm đào tạo nghề điều dưỡng viên hay hộ lý tại Việt Nam. Các trung tâm này tìm cách thu hút những người làm việc tại Đài Loan, tái đào tạo và rồi tìm việc cho họ ở nước ngoài. Nhưng lần này là Nhật Bản.
Các điều dưỡng viên Việt Nam đang tập huấn tại một trung tâm y tế ở Tokyo. (Ảnh: Nikkei). |
Thiếu trầm trọng
Katshushige Mori, Chủ tịch của chuỗi dưỡng lão Gashouen Nhật Bản, đã mô tả tình trạng khan hiếm nhân lực: “Trước đây, khi các ứng viên đến phỏng vấn, chúng tôi không nhất thiết phải mời trà. Giờ đây, các nhà tuyển dụng phải mời trà và điểm tâm cùng quà tặng. Nếu không chả ai muốn về làm việc”.
Chuỗi Gashouen thành lập cách đây 65 năm với các viện dưỡng lão chủ yếu ở Machida ở phía tây thủ đô Tokyo và thành phố Yokohama. Ông Mori nói rằng chuỗi này sẽ thuê thêm 8 nhân viên người Việt vào trước cuối năm nay bên cạnh một nhân viên Việt Nam đang làm toàn thời gian ở đây.
Chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi Wellgroup hiện có khoảng 400 nhân viên ở khu vực Nara và Osaka. Năm ngoái, họ tuyển 30 thực tập sinh nước ngoài làm việc và năm nay dự định là 50 người. Tỷ lệ thực tập sinh có quốc tịch Việt Nam lên đến 70%.
Dân số Nhật Bản ngày càng già đi. Số người làm trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý hay giúp việc nhà ngày càng có vai trò lớn hơn trong xã hội Nhật Bản. Thế nhưng, người Nhật lại không muốn làm việc trong những ngành mà họ xem là cực nhọc và lương ít. Chính phủ Nhật Bản nhận ra vấn đề và hành động từ sớm.
Năm 1993, Nhật Bản bắt đầu các chương trình thực tập sinh cho phép công nhân nước ngoài làm việc tại các hãng xưởng Nhật Bản. Năm 2008, Nhật Bản khởi động Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Indonesia, Philippines và Việt Nam cho phép công dân các nước này làm việc tại Nhật Bản tối đa là 5 năm và lần này được làm việc trong ngành điều dưỡng và hộ lý. Có khoảng 4.300 người Việt Nam, Indonesia và Philippines làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Nhật Bản. Họ có thời hạn 5 năm để đạt chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, nếu không họ buộc phải về nước. Tuy nhiên, với danh nghĩa “thực tập sinh”, người lao động nước ngoài thường bị bóc lột với mức lương thấp và giờ làm việc kéo dài.
Thu hút hộ lý nước ngoài
Những thay đổi về chính sách nhập cư từ ngày 1/4/2019 cho phép điều dưỡng viên hay hộ lý làm việc 5 năm tại Nhật Bản có thể xin visa tay nghề cao loại 1 có thời hạn thêm 5 năm nữa và sau đó có thể xin định cư tại nước này. Ngoài chính sách visa và cung cấp chỗ ở miễn phí, Nhật Bản còn thu hút hộ lý nước ngoài bằng tiền lương với mức lương khoảng 160.000-200.000 yen mỗi tháng, tương đương 32-40 triệu đồng. Tiến sĩ Cheng An-Chun - chuyên nghiên cứu ngành dịch vụ sức khỏe và xã hội thuộc Đại học Phụ Nữ Sagami tại Nhật Bản - nhận định rằng các thay đổi này đánh dấu giai đoạn Nhật Bản “chính thức mở cửa và chấp nhận lao động nhập cư nước ngoài”.
Trong kế hoạch 5 năm tới, Nhật Bản cần đến 60.000 hộ lý nước ngoài. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu. Cuối tháng 4, các trung tâm khảo thí ngôn ngữ và tay nghề được lập tại Philippines và sau đó là Việt Nam và Indonesia. Các thí sinh vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật và chuyên môn sẽ được cấp visa. Những lao động đầu tiên đã lên đường đi Nhật Bản trong tháng 7 vừa rồi.
Nhật Bản không chỉ nhắm đến nguồn nhân lực ở các nước Đông Nam Á, mà còn để mắt đến lực lượng người nước ngoài và người Đài Loan đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Lai Tien-fu, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hai Ching ở Đài Loan, kể rằng trong chuyến thăm Nhật Bản năm ngoái ông đã thấy các viện dưỡng lão Okinawa đang cố gắng thu hút điều dưỡng viên từ Đài Loan. Các nhân viên quốc tịch Đài Loan chỉ cần học ngôn ngữ hai ngày trong tuần, số ngày còn lại họ có thể làm việc tại các nhà dưỡng lão hay bệnh viện.
Người nước ngoài làm việc nhà, hộ lý hay điều dưỡng viên ở Đài Loan được trả lương thấp, từ 20.000-50.000 Đài tệ, tức 13-33 triệu đồng, tùy loại công việc. Tiền lương hơn gấp đôi - cùng với chính sách nhà ở và định cư tại Nhật Bản - có sức cám dỗ không thể cưỡng lại!
Hơn 240.000 người nước ngoài đang làm giúp việc, chăm sóc người già và điều dưỡng viên tại Đài Loan. (Ảnh: Common Wealth Magazine). |
“Tranh giành” lao động Việt Nam
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến cuối năm 2017, lượng thực tập sinh từ Việt Nam chiếm 45,1% và từ Philippines chiếm 28,3%.
Tại Đài Loan, số nhân viên người Việt làm việc trong ngành an sinh xã hội - bao gồm giúp việc nhà, hộ lý và điều dưỡng viên - chiếm tỷ lệ 11% lao động ngoại quốc. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 vừa rồi, tỷ lệ này chiếm đến 70% trong số 15.000 hộ tá nước ngoài ở hòn đảo này.
Hộ tá người Việt càng có vị trí quan trọng trong hoạt động của toàn bộ hệ thống hỗ trợ người cao tuổi và các nhà dưỡng lão ở đây. Những nơi này sẽ bị “tổn thương” trước tiên khi Nhật Bản cố gắng thu hút lao động người Việt trong ngành này. Giám đốc Lai nói rằng người Việt có nhiều ưu điểm: Ngôn ngữ và văn hóa gần gũi, học hỏi nhanh và rất nhanh nhạy trong việc hiểu các biểu cảm trên gương mặt người già. Điểm yếu duy nhất: Họ thường bỏ trốn để tìm việc khác lương cao hơn!
Hệ quả là các viện dưỡng lão Đài Loan chuyển sang thuê mướn lao động Indonesia để giảm nguy cơ rủi ro. Tại Trung tâm Hai Ching của Giám đốc Lai, cứ 10 nhân viên nước ngoài thì có 6 là người Indonesia và 4 là người Việt.
Việc tìm kiếm nguồn nhân công mới từ Việt Nam vô cùng vất vả. Tsai Yue-yin, Giám đốc tiếp thị của Công ty cung ứng lao động South East Asia Group, cảm thấy thị trường đang cạn kiệt. “Trước đây, vẫn có thể tìm người Việt có kinh nghiệm trong ngành điều dưỡng hay chăm sóc người già muốn làm việc ở Đài Loan. Nhưng giờ những người này ưu tiên chọn Nhật Bản. Còn những người đến Đài Loan làm việc hầu như chưa có kinh nghiệm gì cả. Chúng tôi phải bắt đầu từ con số không” - Tsai nói.
Ngay cả các hộ lý và điều dưỡng viên người nước ngoài từng làm việc tại Đài Loan đang là “đối tượng săn đuổi” của Nhật Bản. (Ảnh: Common Wealth Magazine). |
“Hộ lý cao tuổi”
Nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập người dân nhiều hơn, khiến họ cũng ít quan tâm đi làm ở nước ngoài hơn trước. Các công ty tuyển dụng Đài Loan nói trước đây họ thường tập trung tìm người tại TP.HCM, giờ họ phải đến các vùng có thu nhập kém hơn ở miền Trung và miền Bắc.
Việt Nam cũng không còn là nguồn cung cấp hộ lý ổn định nữa. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với nguồn cung từ Indonesia.
Cuối năm 2018, khoảng hơn 240.000 người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già, người bệnh ở Đài Loan, tăng khoảng 23% trong vòng 5 năm qua. Trong lực lượng này, người quốc tịch Indonesia lên đến 193.000 công nhân, tiếp đó là 29.000 từ Philippines và 18.000 từ Việt Nam.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Lao động Đài Loan cho thấy lao động người Indonesia trong lĩnh vực an sinh ở đây phần lớn ở độ tuổi trung niên: Năm nay, lần đầu tiên nhóm người trung niên ở độ tuổi 35-44 chiếm 84.000, cao hơn nhóm lao động trẻ ở độ tuổi 25-34. Bộ Lao động lãnh thổ này nhận định “số lao động Indonesia trong ngành an sinh xã hội dưới 34 tuổi đang giảm dần”.
“Điều tôi lo lắng không phải thị trường Nhật Bản đang giành nhân lực chúng ta cần. Điều tôi lo lắng là nền kinh tế ở các quốc gia cung ứng lao động” - bà Tsai nhìn nhận.
Ricky Hồ
Bình luận
Nổi bật
Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động
sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09
Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.
Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải
sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57
Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.
Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời
sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00
(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.