Thứ hai, 03/06/2024, 14:11 PM

Yêu cầu kiểm tra toa xe, phương tiện chuyên dùng không tự hành theo quy chuẩn

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2023/BGTVT về kiểm tra toa xe, phương tiện chuyên dùng không tự hành khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cần đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2023/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo Thông tư số 30/2023/TT-BGTVT, ngày 03 tháng 11 năm 2023. Quy chuẩn này thay thế Quy chuẩn QCVN 18:2018/BGTVT được ban hành theo Thông tư số 30/2018/TT-BGTVT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Quy chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện như toa xe, phương tiện chuyên dùng không tự hành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu chưa qua sử dụng; Toa xe đường sắt đô thị nhập khẩu chưa qua sử dụng; Phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu chưa qua sử dụng có mã HS là 86.03, 86.04, 8605.00.00 và 86.06 theo quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Theo đó phương tiện chuyên dụng phải thỏa mãn các yêu cầu chung đối với toa xe và các yêu cầu kỹ thuật tương ứng áp dụng cho toa xe hàng quy định tại Quy chuẩn này. 

2

Toa xe, phương tiện chuyên dùng không tự hành khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cần đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Đường bao mặt cắt ngang tại mọi vị trí ở trạng thái chuẩn bị vận hành của toa xe chạy trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia không được vượt quá khổ giới hạn đầu máy, toa xe quy định tại QCVN 08:2018/BGTVT. Đường bao mặt cắt ngang tại mọi vị trí ở trạng thái chuẩn bị vận hành của toa xe đường sắt đô thị, phương tiện chuyên dụng chạy trên đường sắt đô thị, toa xe chạy trên đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia không được vượt quá khổ giới hạn phương tiện của tuyến đường sắt. Phương tiện phải thông qua được đường cong có bán kính không lớn hơn bán kính nhỏ nhất của tuyến đường sắt.

Yêu cầu kỹ thuật đối với toa xe thì Quy chuẩn quy định về chỉ tiêu động lực học phải phù hợp với yêu cầu trong tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Trường hợp nhà sản xuất không quy định thì áp dụng các giá trị quy định. Khối lượng của toa xe cân được ở trạng thái không tải không được vượt quá 3% khối lượng thiết kế.

Kích thước toa xe phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Toa xe có thùng kín phải được thử kín nước để đảm bảo không thấm lọt nước vào bên trong. Đối với toa xe có kết cấu thành phẳng, độ nghiêng lệch thân xe được xác định bằng khoảng cách từ mép dưới xà đầu bệ xe đến đường thẳng vuông góc với mặt phẳng nằm ngang đi qua điểm tiếp giáp thành xe với mui xe. Yêu cầu khi kiểm tra trên đường thẳng phẳng, độ nghiêng lệch thân xe không lớn hơn 15 mm.

Đối với toa xe có kết cấu thành cong hoặc các kết cấu đặc biệt khác, cách xác định và yêu cầu độ nghiêng lệch theo tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Kết cấu bàn trượt của toa xe phải đúng với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Đối với toa xe sử dụng loại bàn trượt có khe hở thì các bàn trượt ở vị trí chéo nhau không được sát khít, khe hở bàn trượt phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất.

Mối hàn giữa các tấm đứng của xà kéo, xà dọc giữa với xà gối, mối hàn giữa các tấm đứng xà gối với tấm trên xà gối theo chiều ngang xe phải được thử phát hiện khuyết tật bằng phương pháp thử không phá hủy phù hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Hệ thống hãm khí nén và hãm tay phải được lắp ráp và hoạt động đúng với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất.

Hệ thống hãm phải đảm bảo khoảng cách hãm của toa xe khi kéo đơn lẻ hoặc lắp thành đoàn tàu không lớn hơn 800 m. Hệ thống thông gió của toa xe khách phải đảm bảo lưu lượng không khí tươi cung cấp cho mỗi hành khách tính theo số hành khách danh nghĩa không nhỏ hơn 18 m3/h.

Toa xe khách phải được trang bị ít nhất 02 bình chữa cháy phù hợp với nguồn nhiệt gây cháy cần dập, còn hạn sử dụng, đặt ở vị trí dễ quan sát, dễ lấy. Các mối nối điện trong tủ điện, hộp đấu dây gầm xe phải đảm bảo chắc chắn, tiếp điện tốt để tránh phát sinh nhiệt. Thiết bị đóng cắt, bảo vệ, tiết diện dây dẫn phải phù hợp với công suất của thiết bị, vỏ bọc dây dẫn điện của toa xe phải có khả năng chịu nhiệt, không bị cháy, chảy trong phạm vi dòng điện làm việc của các thiết bị đóng cắt, bảo vệ.

Toa xe hàng ăn sử dụng khí ga để nấu bếp, các bình ga phải đặt ở nơi thoáng khí, cách xa nguồn nhiệt và các thiết bị điện, bình ga được lắp theo chiều thẳng đứng. Ngoài các bình chữa cháy đặt tại khoang phục vụ hành khách, tại khu vực bếp nấu phải trang bị 01 bình chữa cháy phù hợp với vật liệu cháy cần dập, còn hạn sử dụng, đặt ở vị trí dễ quan sát, dễ lấy.

Cửa thoát hiểm khẩn cấp có thể dùng cửa sổ di động hoặc cửa sổ cố định bằng kính tôi an toàn. Kích thước không vướng của ô thoát hiểm phải lớn hơn một hình chữ nhật có kích thước 700 mm x 500 mm (chiều rộng x chiều cao). Cửa thoát hiểm phải có chỉ dẫn bằng Tiếng Việt “Cửa thoát hiểm” hoặc Tiếng Anh “Emergency exit”

Toa xe ghế ngồi, toa xe hàng ăn phải có ít nhất 4 cửa thoát hiểm khẩn cấp bố trí đều 2 bên thành xe. Mỗi khoang hành khách của toa xe giường nằm, toa xe công vụ phải có 01 cửa thoát hiểm khẩn cấp. Búa thoát hiểm phải là loại búa chuyên dụng kích thước nhỏ gọn, có đầu nhọn để phá kính. Búa thoát hiểm phải đặt tại nơi dễ quan sát, dễ lấy. Vị trí tác động để phá kính phải đánh dấu chỉ dẫn rõ ràng.

Yêu cầu bảo vệ môi trường thì toa xe khách trừ toa xe hành lý phải có thiết bị vệ sinh tự hoại và thùng thu gom rác thải. Thiết bị vệ sinh tự hoại phải có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất, nước thải từ thiết bị vệ sinh tự hoại phải phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường. Thiết bị vệ sinh tự hoại được lắp đặt chắc chắn, hoạt động bình thường.

Toa xe khách và toa xe đông lạnh phải có thiết bị kết nối với nguồn điện cấp bên ngoài. Thiết bị kết nối phải lắp đặt chắc chắn, hoạt động bình thường, thông số kỹ thuật phù hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất.

Quy chuẩn cũng nêu các quy định các phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu chưa qua sử dụng phải thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn này. Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra theo quy định tại Quy chuẩn này. Nhà sản xuất, tổ chức nhập khẩu phương tiện phải chịu trách nhiệm về chất lượng phương tiện do mình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu.

Việc kiểm tra, chứng nhận phương tiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT.

Nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp phương tiện đảm bảo phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn này.

Tổ chức nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất cung cấp tài liệu kỹ thuật, báo cáo thử nghiệm theo quy định và chuẩn bị phương tiện với đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành kiểm tra theo quy định tại Quy chuẩn này.

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Theo Thông tư, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.

Thông tư cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật về thịt gia cầm và sản phẩm chế biến từ gia cầm

Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật về thịt gia cầm và sản phẩm chế biến từ gia cầm

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 14:37

(CL&CS) - Kazakhstan thông báo Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật về thịt gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.

Sớm ban hành quy chuẩn về chất thải, vận hành thị trường các-bon

Sớm ban hành quy chuẩn về chất thải, vận hành thị trường các-bon

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 14:10

(CL&CS) - Để quản lý và bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện một số chính sách điển hình như sớm ban hành các quy chuẩn về chất thải, vận hành thị trường các-bon sớm hơn theo quy định.

Ecuador thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật bình chữa cháy xách tay

Ecuador thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật bình chữa cháy xách tay

sự kiện🞄Thứ sáu, 14/06/2024, 14:28

(CL&CS) - Mới đây, Ecuador thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật bình chữa cháy xách tay với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.