VDSC: Tháng 5/2023, cơ hội trong những nhịp điều chỉnh

(CL&CS) - CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì xu hướng chính là đi ngang trong tháng 5/2023, VN-Index sẽ dao động trong vùng 1020-1080 điểm.

Suất sinh lời các nhóm ngành trong tháng 4/2023

Suất sinh lời các nhóm ngành trong tháng 4/2023

Tháng 4/2023, VN-Index giảm 1,46%

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4/2023 đã không diễn biến tích cực như mong đợi bất chấp một loạt các hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và yếu tố vĩ mô - giảm lãi suất điều hành, tỷ giá ổn định.

Chính phủ tiếp tục tháo gỡ nút thắt trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính để khơi thông dòng vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Các luật và chính sách khác đã được ban hành. Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn thi hành luật đất đai. Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ. Thông tư 02 & 03 hướng dẫn việc gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng vay và mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên tác động của các chính sách này sẽ cần thêm thời gian.

Kết thúc tháng 4/2023, VN-Index giảm 1,46%, đóng cửa tháng ở mức 1.049,12 điểm. Trong đó, các cổ phiếu bluechip trong rổ VN30 giảm 2,07% đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của VN-Index. Ngược lại, VNSMALL-Index và VNMID-Index đã có một tháng giao dịch tuyệt vời với mức tăng đáng kể lần lượt là 5,8% và 2,4%.

Thanh khoản thị trường phục hồi ấn tượng trong tháng 4/2023. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE tăng trở lại lên 9.791 tỷ đồng/phiên (+23,9% MoM). Thậm chí, đã có những phiên ghi nhận giá trị giao dịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Mặc dù chỉ số chung của thị trường chứng khoán chứng kiến sự điều chỉnh, phân bổ lợi nhuận của các cổ phiếu thành phần lại cho thấy thể hiện xu hướng ngược lại khi 62% cổ phiếu có lợi nhuận dương. Mức sinh lợi tập trung trong khoảng 5 - 10%.

Trong nhóm ngành theo GICS, có 6 ngành duy trì được sắc xanh, 9/10 ngành có hiệu suất vượt trội so với VN-Index. Y tế (+8%) dẫn đầu tháng, trong khi hàng tiêu dùng thiết yếu (-3,1%) kém sắc, góp phần lớn nhất vào sự sụt giảm của VN-Index. DHG (+14,1%), DBD (+12,79%), IMP (+10,3%) là những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho hiệu suất của nhóm Y tế, trong khi VNM (-5,91%), SAB (-6,88%), MSN (-6,04 %) là những cổ phiếu gây áp lực chính lên nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu trong tháng vừa qua.

VDSC cho rằng diễn biến này cho thấy rằng tâm lý thận trọng vẫn còn bao trùm khi mà chặng đường phía trước vẫn còn nhiều biến số khó lường như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết hay hệ lụy từ quá trình tăng lãi suất gấp rút của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới trong hơn một năm qua (suy thoái kinh tế, sự đổ vợ ngân hàng).

Tháng 5/2023, VN-Index sẽ dao động trong vùng 1020-1080 điểm

Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 và đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đi qua, VDSC không kỳ vọng có động lực mạnh mẽ trong tháng 5/2023. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại vẫn là một điểm tựa vững chắc với dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa là khả thi khi: (1) lạm phát đang thấp, (2) tỷ giá được kỳ vọng tiếp tục ổn định do Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) khả năng cao đã thực hiện lần tăng lãi suất cuối cùng của mình và thặng dư thương mại được duy trì, (3) tăng trưởng GDP quý 1/2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Mặc dù vậy, cần thời gian để những tác động của những chính sách này bắt đầu “ngấm” vào các hoạt động kinh tế. Do đó, VDSC kỳ vọng thị trường vẫn duy trì xu hướng chính là đi ngang trong tháng 5/2023, chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1020-1080.

Mức biến động hơn 1,4% trong tháng 4/2023 của chỉ số VNIndex đã đưa một số cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị của VDSC đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, gồm NLG, QNS, DBD và MWG. Nhà đầu tư đã chốt lời theo khuyến nghị có thể tiếp tục quan sát thị trường và chờ cơ hội tái đầu tư trong các nhịp điều chỉnh trong tháng 5/2023.

Mức điều chỉnh mạnh trong tháng 4/2023 cũng tạo ra cơ hội mua ở các cổ phiếu KDH, ACB, FPT, MBB, VPB, DRC và VNM. VDSC cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cho mục tiêu trung - dài hạn ở các cổ phiếu này, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giảm tỷ trọng ở cổ phiếu DRC. DRC là một trong những doanh nghiệp đầu ngành săm lốp của Việt Nam, với tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt ổn định và ở mức cao. Dù vậy, các khó khăn ngắn hạn có thể khiến kết quả kinh doanh trong vài quý tiếp theo vẫn diễn biến tiêu cực và tin rằng nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua với giá tốt hơn mức giá hiện tại trong các nhịp điều chỉnh tiếp theo của thị trường.

Nguyễn Như

Bình luận

Nổi bật

Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 7,8%, đạt 72.094 tỷ đồng trong quý 1/2024

Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 7,8%, đạt 72.094 tỷ đồng trong quý 1/2024

sự kiện🞄Thứ tư, 08/05/2024, 14:23

(CL&CS) - Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank và MB là những ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong quý 1/2024. Lợi nhuận trước thuế của top 5 chiếm đến 52,3% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết.

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Vừa qua, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã không ngừng đầu tư công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối vào hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng.

Thêm ngân hàng triển khai gói vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác

Thêm ngân hàng triển khai gói vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:54

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cực hấp dẫn, chỉ từ 4,6%/năm, ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Đặc biệt, khách hàng không cần chuẩn bị tiền để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ.