Vẫn băn khoăn lệch pha cung cầu trên thị trường: Chủ yếu là hàng cao cấp, căn hộ bình dân “biến mất”

Theo thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng, trong quý III/2024, cả nước không ghi nhận thêm dự án nhà ở xã hội nào. Điều này cho thấy, nguồn cung căn hộ bình dân đang thiếu hụt trầm trọng, trong khi đó, nguồn cung chủ yếu ra thị trường lại là hàng cao cấp.

Untitled-2

Căn hộ bình dân “biến mất”

Trong báo cáo thị trường mới đây, Bộ Xây dựng cho biết tình hình triển khai dự án nhà ở xã hội trên cả nước vẫn chậm. Quý III không ghi nhận dự án nào hoàn thành toàn bộ, chỉ có một dự án mới bàn giao một toà với 200 căn tại TP Huế.

Quý này cũng chỉ có 4 dự án khởi công xây dựng với gần 2.100 căn. Trong đó, TP HCM có một dự án vừa động thổ với gần 1.500 căn. Còn Hà Nội không có dự án nào được khởi công hay xây dựng.

Tính cả giai đoạn từ 2021 đến nay, cả nước có 79 dự án hoàn thành với hơn 42.400 căn, đạt khoảng 10% chỉ tiêu đến năm 2025 trong đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, 131 dự án đã khởi công, dự kiến cung ứng gần 112.000 căn.

Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết "khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024" tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024.

Đầu tuần này, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường báo cáo của đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Trong báo cáo, Đoàn giám sát đánh giá việc triển khai đề án xây một triệu căn nhà xã hội chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu. Nhiều địa phương có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng kết quả triển khai hạn chế so với mục tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025.

Đơn cử, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn), đạt 9% chỉ tiêu. TP HCM cần xây 26.200 căn đến 2025 song hiện đạt khoảng 19% mục tiêu, gần 5.000 căn. Tương tự, Đà Nẵng cũng mới đạt 43% với 2.750 căn tại 5 dự án.

Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà xã hội nào được khởi công từ 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...

Ở chiều ngược lại, phân khúc căn hộ cao cấp lại đang là “chủ đề chính” khi chiếm phần lớn nguồn cung. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung thị trường vẫn phân hóa mạnh với 70% là căn hộ chung cư, trong đó, phân khúc cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2 và phân khúc hạng sang có giá trên 80 triệu đồng/m2 chiếm áp đảo với tỷ lệ lên đến 70%.

Thị trường "vắng bóng" hoàn toàn căn hộ thương mại giá bình dân, 100% nguồn cung căn hộ bình dân đến từ các dự án nhà ở xã hội.

Tình trạng nhà ở cao cấp và hạng sang tiếp tục chiếm sóng thị trường BĐS, với sự gia tăng đáng kể từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo, số lượng căn hộ hạng sang đã tăng gấp đôi so với quý III/2023, trong khi phân khúc căn hộ bình dân lại ghi nhận xu hướng sụt giảm.

VARS cho biết phân khúc trung cấp có giá từ 25 - 50 triệu đồng tập trung tại các đại đô thị ven đô, thậm chí dạt sang thị trường tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Nhiều hệ lụy có thể xảy ra

Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), thực trạng này đang đi ngược với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh và quy luật giá cả.

Trong một thị trường BĐS bình thường, khi nhu cầu về một loại hình sản phẩm tăng, nguồn cung sẽ tăng để đáp ứng và giá cả cũng điều chỉnh theo mức hợp lý.

Tuy nhiên, sự mất cân đối này không chỉ dẫn đến tình trạng khan hiếm căn hộ bình dân mà còn đẩy giá BĐS lên cao một cách phi lý, vượt khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình.

Nhìn nhận về thực trạng này, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra cảnh báo rằng, nếu tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung các phân khúc trên thị trường tiếp tục tiếp diễn mà không có sự can thiệp kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

"Hệ quả là việc giá nhà tăng cao vượt tầm với của phần đông người dân sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, gây áp lực lên an sinh xã hội. Điều này cũng có thể tạo ra nguy cơ "bong bóng" BĐS, khiến thị trường kém bền vững và dễ tổn thương trước các biến động kinh tế", TS. Nguyễn Văn Đính chỉ rõ.

Bên cạnh đó, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, tình trạng "lệch pha" cung - cầu sẽ ngày càng trầm trọng, khiến việc phát triển các phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội bị đình trệ, đồng thời đẩy phần lớn người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp và trung bình, ra khỏi khả năng tiếp cận nhà ở.

Hệ lụy không chỉ ảnh hưởng tới thị trường BĐS mà còn gây ra những bất ổn về mặt xã hội, khi nhu cầu an cư của người dân không được đáp ứng.

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.