Thứ sáu, 09/05/2025, 16:54 PM

Ứng dụng công nghệ – Chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

(CL&CS) - Tăng năng suất không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là điều kiện sống còn để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Để làm được điều này thì việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) nhận định rằng công nghệ chính là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp lớn với khả năng chuyên nghiệp hóa cao và chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phụ thuộc vào công nghệ lạc hậu, đã qua tân trang, dẫn đến năng suất lao động còn thấp và khó bắt kịp với xu hướng toàn cầu hóa.

Ở góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương – chia sẻ rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là quá trình chuyển giao công nghệ. Nhiều công nghệ hiện đại được nhập khẩu từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia phát triển khác đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ cao, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận hành và làm chủ thiết bị.

Theo ông Thành, để vượt qua rào cản này, bản thân doanh nghiệp cần chủ động học hỏi và phát triển đội ngũ chuyên gia trong nước. Đây không chỉ là giải pháp cho bài toán nhân lực chất lượng cao mà còn là nền tảng quan trọng để gia tăng năng suất, hướng tới sự tự chủ và phát triển bền vững.

1

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách lớn nhằm thúc đẩy năng suất lao động thông qua đổi mới khoa học, công nghệ và sáng tạo. Tiêu biểu như Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/01/2016 về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động; hay Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021–2030. Những định hướng này cho thấy tăng năng suất không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là điều kiện sống còn để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Dưới sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã tích cực triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và cải tiến sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đơn cử tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp đã có bước chuyển mạnh mẽ trong đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại. Công ty TNHH YKJ Vina – doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Với gần 1.000 lao động và thu nhập bình quân 6,8–7,5 triệu đồng/người/tháng, công ty đã liên tục đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy may lập trình tự động, máy ép vải, máy trải vải, máy đóng khuyết, đóng cúc tự động, máy bổ túi, máy nhồi bông… Nhờ vậy, chỉ với một máy và một công nhân vận hành, năng suất đạt từ 100–200 sản phẩm/giờ, giúp giảm sức lao động thủ công, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

2

Ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là lựa chọn mà là hướng đi tất yếu để gia tăng năng suất. Ảnh minh họa

Là thương hiệu sản xuất xe điện đầu tiên tại Việt Nam, VinFast cũng là một tập đoàn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. VinFast được đánh giá là đã có một bước “đi tắt đón đầu” rất thông minh và đã đạt được thành công ấn tượng. VinFast đã tiên phong phát triển công nghệ ô tô hiện đại từ rất sớm, mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm hoàn hảo.

Bên cạnh đó thương hiệu Việt Nam cũng nỗ lực hợp tác với các đơn vị sản xuất uy tín hàng đầu thế giới để giải quyết những điểm yếu, phát huy điểm mạnh và nghiên cứu ra những sản phẩm mới, đạt chất lượng cao, tối ưu hiệu quả sử dụng. Đặc biệt việc đầu tư hàng nghìn cánh tay robot và xây dựng hệ thống máy móc tự động kết nối đồng bộ đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian sản xuất và giảm chi phí một cách hiệu quả.

Tập đoàn Rạng Đông cũng không nằm ngoài xu thế khi đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển (R&D). Với ba trung tâm nghiên cứu tập trung vào sản phẩm công nghệ cao như đèn LED thông minh, thiết bị điện tử và giải pháp IoT, hiện nay các sản phẩm công nghệ đã chiếm đến 70% doanh thu của tập đoàn. Điều này khẳng định vai trò then chốt của công nghệ trong nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, góp phần khẳng định vị thế Rạng Đông trên thị trường trong nước và quốc tế.

Từ thực tế triển khai tại các doanh nghiệp tiêu biểu, có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là lựa chọn mà là hướng đi tất yếu để gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng công nghệ – Chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Ứng dụng công nghệ – Chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

sự kiện🞄Thứ sáu, 09/05/2025, 16:54

(CL&CS) - Tăng năng suất không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là điều kiện sống còn để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Để làm được điều này thì việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế.

Đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới

Đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 09/05/2025, 16:53

(CL&CS) - Tối ngày 8/5/2025, Khoa Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới”.

Người dân vùng biển kiếm thu nhập khủng nhờ 'lộc trời', mọc la liệt trong đầm nước lợ, cứ vớt là có tiền triệu/ngày

Người dân vùng biển kiếm thu nhập khủng nhờ 'lộc trời', mọc la liệt trong đầm nước lợ, cứ vớt là có tiền triệu/ngày

sự kiện🞄Thứ sáu, 09/05/2025, 16:53

(CL&CS) - Không cần tốn công canh tác, chăm sóc, loại cây thủy sinh này vẫn phát triển mạnh ở các vuông nuôi tôm và tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân.