Tin bất động sản hôm nay ngày 5/8: Chấm dứt thêm hàng loạt dự án của FLC tại Bình Định
(CL&CS) - Chấm dứt hoạt động hàng loạt đại dự án của Tập đoàn FLC ở Bình Định; Kiến nghị cấp phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cho vay mua NOXH; Hoàn thành mặt bằng KCN Tân Kiều (Đồng Tháp) trước trước tháng 9; 5 nội dung thống nhất để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 5/8.
Chấm dứt hoạt động hàng loạt đại dự án của Tập đoàn FLC ở Bình Định
Theo thông tin từ báo Người lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định vừa có văn bản về việc chấm dứt hoạt động 2 dự án đầu tư của Công ty CP Tập đoàn FLC tại địa phương này.
Cụ thể là dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu lõi Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, xã Nhơn Hội. Dự án có quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022.
Và dự án Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng… Dự án được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương triển khai trên diện tích hơn 17,3 ha đất và gần 4,3 ha mặt nước biển ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn; gồm 1 resort 6 sao theo tiêu chuẩn quốc tế, thời gian hoạt động 50 năm.
Trước đó, vào đầu năm nay, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản về việc chấm dứt hoạt động của dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Học viện Golf nằm trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn, thuộc xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án gồm gần 1.000 căn biệt thự được xây dựng trên diện tích 19,82 ha, nằm trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn, với tổng mức đầu tư là 892 tỉ đồng.
Lý do chấm dứt hoạt động 3 dự án nói trên là vì thời gian qua, Tập đoàn FLC đã không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư. Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn FLC đầu tư 3 dự án trên.
Kiến nghị cấp phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cho vay mua nhà ở xã hội
Trong văn bản góp ý gửi đến Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ hai tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Tuy nhiên một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng có thể sẽ bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ cũng được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.
Đồng thời, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN để cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bởi theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-NHNN thì cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng lại phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi nhà ở xã hội. Còn 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/tháng để xây nhà, sửa chữa nhà. Quy định này chỉ phù hợp với Luật Nhà ở 2014 nhưng không phù hợp và trái với quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP phát triển quản lý nhà ở xã hội.
Đồng Tháp: Hoàn thành mặt bằng KCN Tân Kiều trước trước tháng 9
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi UBND huyện Tháp Mười về việc gia hạn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười.
Xét văn bản của UBND huyện Tháp Mười về việc gia hạn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án hạ tầng khu công nghiệp Tân Kiều ban hành cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh thống nhất đề nghị của UBND huyện Tháp Mười gia hạn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng khu công nghiệp Tân Kiều đến ngày 31/8.
KCN Tân Kiều có quy mô gần 150 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 101 ha. Dự án có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định của UBND tỉnh.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.270 tỷ đồng. Phía đông dự án giáp đất dân dọc theo kênh Nhì; phía bắc giáp quốc lộ N2; phía tây giáp đất dân dọc theo kênh Cô Hai; phía nam giáp ĐT846, kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Chủ đầu tư dự án là CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp, tiền thân là Công ty TNHH MTV Xây Lắp và VLXD Đồng Tháp được thành lập vào tháng 7/2010, địa chỉ tại số 3 Tôn Đức Thắng, phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình CTCP từ tháng 11/2016. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu Phước.
Ngoài KCN Tân Kiều, CTCP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp còn là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của nhiều dự án tại Đồng Tháp như KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh), CCN Tân Lập (huyện Châu Thành), CCN Thương mại dịch vụ Trường Xuân (huyện Tháp Mười).
5 nội dung thống nhất để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Ngày 5-8, phát biểu kết luận tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tổng hợp 5 nội dung được lãnh đạo 3 địa phương thống nhất để triển khai thực hiện dự án.
Thứ nhất, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nằm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với các dự án thành phần do UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, rất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án và có một kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Từ đó mới có thể triển khai dự án đạt được mục tiêu, tiến độ Quốc hội đã thông qua.
Thứ hai, việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là việc lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh, thành và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, vì vậy, cần quán triệt tinh thần và nhận thức, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài kế hoạch phối hợp chung của 3 tỉnh, thành phố, cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng địa phương để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo của 3 tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được chia thành các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Mặc dù hiện nay không có quy định về quy trình, thủ tục đối với dự án GPMB, việc này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, tuy nhiên, từng địa phương nên chủ động nghiên cứu tìm hiểu và đề xuất các phương án, nhất là phương án xử lý di dời các nghĩa trang, việc GPMB, di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, các khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng…, trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; đảm bảo tránh những khiếu kiện phức tạp có thể xảy ra.
Thứ tư, dự án đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật. Theo đó, thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. UBND thành phố Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán Nhà nước.
Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, đề nghị 3 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND thành phố Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
Quảng Ngãi chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong các dự án
Thời gian gần đây, dư luận tại tỉnh Quảng Ngãi xôn xao về nhiều dự án tiền tỷ triển khai nhiều năm nhưng chưa có quyết định giao, cho thuê đất. Nhiều chủ đầu tư “ôm đất” nhiều năm nhưng chậm triển khai… Để khắc phục những tồn tại này, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thời gian gần đây, tại tỉnh Quảng Ngãi, người dân bức xúc trước thông tin hàng loạt sai phạm liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng của 2 dự án Khu du lịch sinh thái Nghĩa Thuận và khu dân cư Nghĩa Thuận ở huyện Tư Nghĩa do Công ty CP Thương mại du lịch Hà – Mỹ Á làm chủ đầu tư.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý đất đai, tuyệt đối không để xảy ra việc tổ chức, cá nhân tự ý triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên phần diện tích đất thực hiện dự án khi chưa có quyết định giao (cho thuê) đất của cấp có thẩm quyền. Trong quá trình theo dõi và kiểm tra, khi phát hiện những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật về đất đai. UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, không tham mưu tỉnh giao (cho thuê) đất, đối với các tổ chức có hành vi vi phạm về đất đai…
Ngoài ra, liên quan việc thu hút đầu tư và tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, nhất là các dự án nhà đầu tư thiếu năng lực, xin dự án để xí phần, tránh lặp lại những thiếu sót trong công tác quản lý, thu hút đầu tư…
An Nhiên (t/h)
Bình luận
Nổi bật
Giá căn hộ tại TP HCM “bỏ xa” các tỉnh lân cận
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13
Giá căn hộ mở bán mới tại TP.HCM cao nhất 493 triệu đồng/m2, vượt xa so với mức giá bán tại các tỉnh thành lân cận phía Nam từ khoảng hơn 60 triệu đồng/m2 căn hộ.
Nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các tỉnh lân cận?
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) nội đô đang phát triển và tăng giá quá nóng, nhà đầu tư sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh phát triển hạ tầng kết nối, tốc độ đô thị hóa cao, kinh tế tăng trưởng, tập trung nhiều dự án tốt, dư địa tăng giá để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Xu hướng này đang rõ nét ở bối cảnh hiện tại.
Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 diễn ra từ 20 đến 24/11 tại Hà Nội
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:12
(CL&CS) - Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.