Thứ ba, 16/04/2024, 17:55 PM

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử

(CL&CS) - Rác thải điện tử đang là mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam khi lượng rác thải điện tử phát sinh ngày càng nhiều.

Mỗi năm phát sinh 100.000 tấn rác thải điện tử

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị điện, điện tử được sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, những sản phẩm điện, điện tử lại đang bị người tiêu dùng thải hồi, thay thế một cách nhanh chóng, trở thành nguồn rác thải khổng lồ với hàng chục triệu tấn mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa lớn đối với sức khỏe con người.

Rác thải điện tử rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, rác thải điện tử đang tăng lên một cách nhanh chóng. Theo báo cáo từ Liên hợp quốc, mỗi năm trái đất gánh thêm khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử, trong đó chỉ có 20% là được đưa vào tái chế. Nếu không có sự can thiệp và hạn chế rác điện tử từ các quốc gia thì tổng lượng rác thải sẽ tăng lên gấp bội vào năm 2050, khoảng 120 triệu tấn/ năm.

Theo Báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020" của Liên hợp quốc công bố, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), tại Việt Nam mỗi năm phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn. 

Rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người do chúng thường không được phân loại, đôi khi bị bỏ chung với những loại rác khác. Trong rác thải điện tử chứa rất nhiều kim loại nặng độc hại từ vỏ và các linh kiện bên trong thiết bị điện tử. Do đó, nếu không xử lý rác điện tử đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, niken,... vào môi trường. Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải.

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử.

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử.

Trước thực trạng đó, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác xử lý, thu gom, tái chế rác thải điện tử. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập bởi hiện nay, phần lớn các thiết bị điện tử khi đã hết hạn sử dụng đều bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Còn lại phần nhỏ rác thải điện tử được thu gom thông qua những người thu mua đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát với mục đích tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy các kim loại như đồng, nhôm, sắt... 

Trong khi đó, tỷ lệ tái chế và xử lý rác thải điện tử của nước ta đang ở mức độ thấp, dưới 10% tổng lượng rác thải điện tử phát sinh. Hiện nay, cả nước có gần 70 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 đến 30 tấn/ngày. Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa mà chưa tái chế được các kim loại quý, có hàm lượng cao trong rác thải điện tử.

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử

Để đối phó với tình trạng này và bảo vệ sức khỏe con người cũng như môi trường xung quanh, tiêu chuẩn QC080000 được ban hành để hạn chế tình trạng các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất sử dụng các chất độc hại HSPM gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xunh quanh. 

Tiêu chuẩn QC08000 tên đầy đủ là IECQ QC080000, hay còn gọi là Hệ thống quản lý Quá trình Phát sinh Chất Độc Hại (HSPM - Hazardous Substance Process Management) do Hệ thống đánh giá chất lượng linh kiện điện tử của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế - IECQ (The IEC Quality Assessment System for Electronic Components) quản lý và phát triển.

QC08000 là tiêu chuẩn quốc tế được thành lập dựa trên hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, nhằm đưa ra các yêu cầu cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ phụ trợ, giúp các tổ chức giảm thiểu và loại bỏ các chất độc hại nhằm bảo vệ môi trường.

Thông qua tiêu chuẩn này, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ có ý thức giảm thiểu, loại bỏ việc sản xuất các chất độc hại hơn. Tiêu chuẩn QC080000 áp dụng cho các tổ chức, nhà kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ phụ trợ. Các doanh nghiệp khi đạt chứng nhận tiêu chuẩn cần thực hiện nghiêm chỉnh việc quản lý các chất độc hại từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh.

Đạt chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000 còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cung cấp cho khách hàng một cách ổn định các sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế hoặc loại trừ các chất độc hại trong thiết bị điện, điện tử (ROHS) và thiết bị điện, điện tử thải bỏ (WEEE).

Doanh nghiệp đạt chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000 là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Mang lại sự an tâm cho người lao động và người sử dụng sản phẩm vì được cấp chứng chỉ QC080000. Áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất độc hại giúp doanh nghiệp vận hành hệ thống sản xuất một cách tối ưu, tăng lợi thế cạnh tranh “xanh” trên thị trường.

Đặc biệt với các doanh nghiệp/điện tử có nhu cầu xuất khẩu hàng sang Châu Âu hoặc xuất sang Trung Quốc để lắp ráp đều cần chứng nhận Tiêu chuẩn QC080000. Với thị trường Châu Âu, hàng hóa xuất khẩu bắt buộc phải có chứng nhận QC080000 để kiểm soát hàm lượng các chất độc hại ROHS, ROSH 2, ROSH 3.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử

Tiêu chuẩn QC08000 kiểm soát hàm lượng chất độc hại đối với rác điện tử

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:55

(CL&CS) - Rác thải điện tử đang là mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam khi lượng rác thải điện tử phát sinh ngày càng nhiều.

Thái Lan sắp ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu

Thái Lan sắp ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 12:34

(CL&CS)- Thái Lan đang chuẩn bị ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để đảm bảo chất lượng xuất khẩu sầu riêng và duy trì khả năng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát chất lượng nước

Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát chất lượng nước

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 12:34

(CL&CS) - Chất lượng nguồn nước là thước đo chất lượng cuộc sống. Do vậy, vấn đề thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước là vô cùng cấp thiết.