Thứ ba, 16/04/2024, 17:53 PM

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

(CL&CS) - Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu mét khối, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu khai thác nguồn nước mặt với 87% và nước ngầm là 13%.

Đối với Thủ đô Hà Nội, hiện tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đạt hơn 1,5 triệu m3/ngày đêm, tăng hơn 630 nghìn m3/ngày đêm so với năm 2016, ngoài ra còn kết nối bổ sung nguồn cấp từ Nhà máy Nước sạch Hà Nam để bổ sung nguồn cấp cho huyện Phú Xuyên. Mặc dù nguồn và mạng lưới cung cấp nước sạch đã được cải thiện rất nhiều nhưng vấn đề chất lượng nước sạch ở không ít khu vực vẫn chưa bảo đảm.

Đánh giá tiêu chuẩn đối với nguồn nước sinh hoạt hiện nay, PGS.TS Phạm Ngọc Châu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội (Học viện Quân y), nhấn mạnh, Bộ Y tế được giao xây dựng, ban hành tiêu chuẩn nước ăn uống, nước sinh hoạt và giám sát các tiêu chuẩn đó. Gần đây, Bộ Y tế đã ban hành 2 bộ tiêu chuẩn quốc gia là QCVN01 về nước ăn uống và QCVN02 về nước sinh hoạt cho nông thôn. Tuy nhiên để quản lý chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn của cơ quan này thì vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Đa số hợp đồng cung cấp nước tại các đô thị thời gian qua không có danh mục tiêu chuẩn về chất lượng nước. Hệ thống phân phối nước có vai trò thế nào trong vấn đề chất lượng nước cũng chưa rõ ràng.

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước. (Ảnh minh họa)

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến việc suy giảm dòng chảy. Sự xâm nhập mặn cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nước thải sinh hoạt và sản xuất... là những yếu tố khiến cho nguồn nước mặt và nước trong lòng đất ngày càng ô nhiễm.

Theo các chuyên gia, để giải quyết được chất lượng nguồn nước, trước tiên phải giải quyết vấn đề môi trường. Khoa học và công nghệ được coi là "chìa khóa" để bảo vệ môi trường, nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình vận hành, áp dụng công nghệ mới để bảo đảm an toàn nước, cải thiện chất lượng nước sạch...

Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), để cải thiện nguồn nước, lấy lại sự “trong sạch” cho nguồn nước, rất cần nghiên cứu các kỹ thuật mới trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước. Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc có 6 nhóm nghiên cứu về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cảm biến sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường năng lượng và nghiên cứu chính sách về khoa học và công nghệ; trong đó, ở lĩnh vực năng lượng môi trường, đơn vị đã có một số công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước bị nhiễm phèn, phát triển hệ thống lọc nước… từ đó, giúp nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Về giải pháp trước mắt, giới chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư và các khu công nghiệp, nông nghiệp. Để làm được điều này cần có sự kết hợp của 3 bên: Nhà nước-người đầu tư, doanh nghiệp-thi công và người dân-trực tiếp sử dụng.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Các nhà máy, xí nghiệp cần xây bể xử lý nguồn nước thải thay vì xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài, đây được coi là một trong những biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm những hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn. Tích cực đầu tư nghiên cứu để tìm ra các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, sử dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng sạch để thay thế và áp dụng trong sản xuất công nghiệp như năng lượng Mặt trời, năng lượng gió… đây là một giải pháp an toàn có thể hạn chế được nguồn rác thải và nước thải độc hại, từ đó bảo vệ được môi trường nước.

Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Với nước ngầm, để hình thành một tầng chứa nước dưới đất phải mất hàng trăm năm. Do đó, cần hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất và chuyển sang khai thác nguồn nước mặt. Tuy nhiên, việc khai thác nước mặt đòi hỏi triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt tổng thể, hiệu quả. Bên cạnh đó, những công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn cho quá trình giám sát đầu vào, đầu ra nguồn nước; từ đó, nâng cao chất lượng đời sống người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:55

(CL&CS) - Tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong với những hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nỗ lực hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:53

(CL&CS) - Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 09:53

(CL&CS) - Sở TN&MT Hà Tĩnh vừa phối hợp với Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) và các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương bàn giao mốc ranh giới khu vực mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên và mỏ đất san lấp tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc để phục vụ thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.