Thứ năm, 11/07/2024, 09:32 AM

Tiềm năng và cơ hội để nâng cao năng suất lao động

(CL&CS) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững và phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị lao động, đòi hỏi lao động Việt Nam phải có kỹ năng nghề và năng lực làm việc để bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.   

Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động bình quân hàng năm tăng 6,05%, cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm 4,53% của giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.

Vào giai đoạn 2021-2025, trong 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đều thấp hơn mục tiêu được Quốc hội thông qua hằng năm. Bình quân 3 năm 2021-2023, năng suất lao động tăng 4,3%/năm, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Để đạt mục tiêu năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5%, thì năng suất lao động hai năm 2024-2025 phải tăng 9,8%.

 TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra nguyên nhân năng suất lao động của kinh tế Việt Nam thấp là do nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, lao động trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao trong lực lượng lao động của toàn nền kinh tế, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở mức thấp, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao, cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động.

Không những thế, chúng ta chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng suất lao động, chưa khẩn trương xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia trung và dài hạn về nâng cao năng suất lao động với các chính sách và giải pháp đột phá.

Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.

Cùng với đó, cạnh tranh lành mạnh trên tất cả các thị trường là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước; đồng thời, đổi mới cơ chế giao nghiên cứu, quản lý, đánh giá các hoạt động hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quá trình sản xuất, đảm bảo mức kinh phí 2% GDP hằng năm.

Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo để tạo dựng và phát triển các ngành công nghiệp mới, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành hiện có. Cơ cấu lại nền kinh tế phải phù hợp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới. Cơ cấu lại từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương.

Nâng cao năng suất lao động đang là thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế trong thời gian tới.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Nâng cao chất lượng cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững

Nâng cao chất lượng cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 30/08/2024, 22:39

(CL&CS)- Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ sáu, 30/08/2024, 22:36

(CL&CS) - Có thể thấy, với thu nhập ngày càng cao, người tiêu dùng cũng có nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Việc mua sắm sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm sạch, chất lượng đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần TBR97 đạt năng suất 62,5 tạ/ha

Sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần TBR97 đạt năng suất 62,5 tạ/ha

sự kiện🞄Thứ sáu, 23/08/2024, 17:41

(CL&CS) - Theo thống kê ban đầu, năng suất bình quân của mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần TBR97 tại thôn Diên Lộc (xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đạt khoảng 62,5 tạ/ha, cao hơn 2 - 3 tạ/ha so với các diện tích lúa khác gieo sạ cùng trà ở địa phương.