Thư viện Khoa học Tổng hợp: Di tích lịch sử, văn hóa gắn bó một thời
(NTD) - Thư viện Khoa học tổng hợp vốn là Khám lớn Sài Gòn là một di tích lịch sử, văn hóa của TP.HCM, ghi dấu thời kỳ đấu tranh, kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Nơi đây còn là cái nôi tạo dựng nên tên tuổi của nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn một thời.
“Trường học Cánh Mạng” của nhiều thế hệ yêu nước
Năm 1886, người Pháp xây dựng tại trung tâm Sài Gòn một nhà giam, gọi là Khám lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) do kiến trúc sư A. Foulhoux thiết kế và xây đến năm 1890 thì hoàn tất. Khám này thay thế cho một khám đường đã có trước được xây dựng bởi J. B. Chatian năm 1863. Công trình tọa lạc trên nền đất xưa kia là chợ Cây Da Còm.
Khám lớn Sài Gòn trước năm 1900, cổng chính nằm ở đường Filipppini (đường Nguyễn Trung Trực ngày nay) |
Theo học giả Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên là Cây Da Còm, vì nó họp dưới gốc một cây đa nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Chợ chuyên bán trống, bán lọng, yên ngựa, mũ tú tài và có một xưởng đúc tiền. Ban đầu, khám dài khoảng 30m và rộng 15 m, có lối đi hẹp ở giữa hai dãy khám, mặt chính được rào bằng những song sắt, vách tường sơn đen, chỉ chừa cửa sổ nhỏ ở trên cùng, rất ngột ngạt. Trong phòng giam, nền tô bằng xi măng, các tù nhân đều nằm trên sàn, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim (cellule). Ở đây, còn có một xà lim dành cho tù nhân lãnh án tử hình. Đó là một hầm 3mx5m, ba mặt là tường kín và mặt còn lại là một cửa sắt có đục lỗ nhỏ. MThiết kế như vậy, vừa để thông hơi, vừa để lính canh từ bên ngoài có thể quan sát bên trong phòng giam.
Vào đêm 14 rạng sáng 15/2/1916, một nhóm vũ trang do “Hoàng đế” Phan Xích Long chỉ huy, đã tấn công vào khám lớn, giải thoát cho các tù nhân yêu nước nhưng không thành. 57 nghĩa sĩ vô danh đã hy sinh trước họng súng quân thù. Đây được coi là một cuộc đối đầu vũ trang đầu tiên của người yêu nước Việt Nam với giặc Pháp giữa đô thành Sài Gòn.
Sau một thời gian, do số tù nhân tăng lên, khám phải xây thêm nhiều phòng mới, tường cao bao quanh, gồm hai dãy nhà một tầng và hai dãy nhà trệt, phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều hạng tù khác nhau. Khám lớn Sài Gòn được giới hạn bởi bốn con đường Lagrandière (Gia Long, nay là Lý Tự Trọng), Mac Mahon (Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Espagne (Lê Thánh Tôn) và Filippini (Nguyễn Trung Trực). Đối chiếu với thực địa hiện nay, khám nằm trọn trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.
Dưới thời thuộc Pháp, Khám lớn Sài Gòn cùng với Tòa án Sài Gòn (xây năm 1881-1885, nay là TAND TP.HCM) và Dinh Thống đốc Nam Kỳ (xây năm 1885-1890, nay là Bảo tàng thành phố) nằm ở ba góc tạo thành một “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân ở Nam kỳ lục tỉnh. Đến ngày 8/3/1953, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tâm (cầm quyền từ 23/6/1952 đến 7/12/1953), cho phóng thích một số tù nhân ở Khám lớn Sài Gòn, số còn lại khoảng 1.600 người cùng với chiếc máy chém, được chuyển về khám đường mới, tức Khám Chí Hòa.
Khám lớn Sài Gòn trở thành khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh ngay sau khi hoàn thành, giam giữ, tra tấn tù nhân người Việt, người Hoa lẫn người Âu, có lúc lên tới 1.500-2.000 người. Nhiều nhà hoạt động Cách mạng, chí sĩ yêu nước nổi tiếng đã từng bị giam giữ tại đây như: Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng… Trong khám có khu biệt giam tù chính trị, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Máy chém này, do thực dân Pháp đưa sang Sài Gòn vào năm 1917, cao 4,5m, lưỡi nặng 50kg. Ngày 20/11/1931, chính người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đã bị hành quyết bởi chiếc máy chém này. Sau năm 1953, Khám lớn Sài Gòn chỉ còn là nơi giam giữ phụ và sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho phá hủy, để xây lên Trường Đại học Văn khoa (thành lập năm 1957, trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn).
Tạo dựng nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ
Trường Đại học Văn khoa là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa ca sĩ Khánh Ly từ Đà Lạt về để hát những ca khúc của mình. Khi hát, Khánh Ly thường bỏ đôi guốc của mình ra, đi chân trần cho nên có biệt hiệu là “nữ hoàng chân đất” và cũng nhờ nơi này mà tên tuổi của cô được mọi người biết đến.
Thư viện Khoa học Tổng hợp hiện nay. |
Khu đất trường Đại học Văn khoa đã sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ đông đảo, thành danh, rất hùng hậu tiêu biểu cho một thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên tưng bừng của thập niên 60. Có thể kể về ca nhạc (sáng tác và trình diễn) là: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Nguyễn Đức Quang, Hoàng Xuân Giang, Ngô Mạnh Thu, Giang Châu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hồng Vân, Diễm Chi, Phương Oanh, Ban Tam Ca Đông Phương, Ban Trầm Ca, Ca đoàn Nguồn Sống, phong trào Du Ca… Về văn thơ, báo chí có: Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Phạm Quốc Bảo, Phạm Xuân Đài, Đào Trường Phúc, Trần Công Sung, Hồng Khắc Kim Mai, Nguyễn Đạt, Cao Huy Khanh, Đặng Phùng Quân, Cung Vĩnh Viễn, Bùi Bảo Trúc, Lê Thiệp, Đỗ Ngọc Yến, Y Dịch (Lê Đình Điểu), Phan Thanh Tâm, Ngô Vương Toại, Nguyễn Huỳnh, Cao Sơn (Nguyễn Văn Tấn). Hội họa có Nguyễn Trung, Đinh Cường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Lê Thành Nhơn…
Thư viện Quốc Gia được xây cất theo đồ án thiết kế của hai Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện và cố vấn kỹ thuật của Kiến trúc sư Lê Văn Lắm vào 23/12/1971, và đi vào hoạt động vài tháng sau đó. Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng và dùng tới 100.000 công thợ, 500 tấn sắt cùng 27.000 bao xi măng. Thư viện có diện tích 7.070 m2, bao gồm hai khối: Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu cùng một sân thượng ở lầu hai. Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43 m, dùng để chứa tài liệu. Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.
Kim Thủy
Bình luận
Nổi bật
Nâng cao chất lượng xét nghiệm cho các cơ sở y tế Hà Tĩnh
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:57
(CL&CS)- Các cơ sở y tế Hà Tĩnh không ngừng nâng cao chất lượng xét nghiệm phát hiện sớm, đúng các bệnh lý, hỗ trợ đắc lực công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.
Hơn 2.100 ý tưởng sáng tạo tranh tài tại cuộc thi “Tiếng nói Xanh” mùa 2
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 15:01
(CL&CS) - Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi hùng biện – tranh biện “Tiếng nói Xanh” mùa 2 do Quỹ Vì tương lai xanh - Tập đoàn Vingroup tổ chức đã thu hút hơn 2.100 đơn đăng ký.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11
(CL&cs) - Vừa qua, cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.