Thứ ba, 25/02/2020, 07:19 AM

Thế giới thiếu nguồn cung, đường Việt Nam vẫn không thể tăng giá

(NTD) - Các nhà kinh doanh đường hàng đầu thế giới dự báo giá đường năm 2020 sẽ tăng cao do sản lượng đường toàn cầu sụt giảm. Trong khi đó thị trường nội địa Việt Nam bị tác động nặng nề bởi đường nhập lậu và gian lận thương mại.

Thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng

Nhà nhập khẩu đường thô số 1 Indonesia cho biết sản lượng trong nước dự kiến sẽ giảm trong khi nhu cầu địa phương tăng nên họ đang cần nhập một lượng đường kỷ lục trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á này cho biết họ đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn đường thô, tương đương 1,33 triệu tấn loại tinh chế, để sử dụng trong gia đình trong năm nay và đầu năm 2021. Mức tăng này cao hơn 11 lần so với năm ngoái.

“Lý tưởng nhất là chúng ta phải có ít nhất 1,3 triệu tấn dự trữ vào đầu năm 2021” - ông Yadi Yusriyadi, cố vấn cấp cao của Hiệp hội Mía đường Indonesia, cho biết. Trong khi nhu cầu tiếp tục tăng, nếu không có nguồn cung bổ sung thông qua nhập khẩu, giá chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.

Trên thế giới, đầu năm giá đường đã tăng khoảng 12%, cao nhất trong một thập kỷ nay. Giá đường thô (được đo bằng giá hằng ngày của ISA) niêm yết vào đầu tháng 13,24 US cent/pound, tăng lên 14,57 US cent/pound vào ngày 23/1, mức giá kỷ lục cao nhất trong 24 tháng. Nguyên nhân là Thái Lan, nhà xuất khẩu đường số 2 thế giới, đã giảm nguồn cung do hạn hán. Bên cạnh đó, châu Âu cũng sản xuất ít hơn. Brazil đã dùng mía chế biến ethanol thay vì đường, cộng thêm thời tiết băng giá khắc nghiệt đã phá hoại mùa màng ở Bắc Mỹ.

Nhà giao dịch hàng hóa có trụ sở tại London ED & F Man Holdings Ltd. đã tăng dự báo thâm hụt đường thế giới trong mùa này khoảng 10% lên 7,7 triệu tấn sau khi thặng dư một năm trước đó. LMC International cho biết, thị trường trước đây đang vật lộn với nguồn cung dư thừa từ Ấn Độ, giờ lại cần đường.

Tiêu thụ thực phẩm của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã tăng mạnh trong thập kỷ qua khi sự sung túc ngày càng tăng làm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Nhu cầu gia tăng từ Indonesia có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất đường hàng đầu Ấn Độ và Brazil, cả hai đều đang tìm cách lấp đầy khoảng trống về nguồn cung từ Thái Lan.

Hiệp hội Mía đường Indonesia đại diện cho 20 nhà máy, chủ yếu là nhà nước, cho biết sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu thêm, chủ yếu từ Thái Lan, để đáp ứng tiêu dùng hộ gia đình.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà tinh chế đường Indonesia Bernardi Dharmawan cho biết, các nhà tinh chế đường của nước này có thể sẽ nhập khẩu hầu hết lượng đường thô từ Thái Lan trong nửa đầu năm, đồng thời chú ý đến nguồn cung từ Úc và Ấn Độ.

Ông Dharmawan cho biết ba nước này là nhà cung cấp “được ưa chuộng” vì gần Indonesia và vì đường có cùng mức thuế nhập khẩu là 5%. Chính phủ đã cho phép 8 nhà máy tinh chế nhập khẩu 1,1 triệu tấn đường thô trong nửa đầu quý 1 năm nay.

Chính phủ Ấn Độ đang đàm phán để Indonesia hạ thấp quy chuẩn kỹ thuật màu sắc của đường từ quốc gia Nam Á này, theo Hiệp hội Nhà máy đường Ấn Độ.

Theo một thương nhân hàng đầu thế giới, Indonesia cũng đang mua đường từ Brazil, dự kiến sẽ vận chuyển 60.000 tấn đường thô trong tuần này. Chủ tịch Hiệp hội Dharmawan cho biết ông vẫn chưa có thông tin chi tiết về hàng nhập khẩu của Brazil.

1

VSSA đã khuyến cáo các nhà máy đường đưa ra giá mua mía niên vụ 2019-2020 bảo đảm cho người nông dân “có thể sống được với cây mía”.

Đường lậu khiến người trồng mía khổ

Một nghịch lý là thế giới thiếu đường đẩy giá tăng cao còn trong nước thị trường đường vẫn không mảy may bị tác động.

Đường trắng trên sàn London đến 20/1/2020 vượt ngưỡng 400 USD/tấn, đến 31/1 đạt 402,7 USD/tấn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu tính từ đầu tháng 11/2019 đến 31/1/2020 tỷ lệ tăng là 19%. Đây là mức tăng đáng kể, và giá đường trắng đang có xu hướng tăng nhiều hơn đường thô.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá bán buôn (có VAT, đồng/kg) nửa cuối tháng 1/2020 không biến động nhiều.

Giá đường đường kính trắng và đường vàng tại thời điểm 16-31/1 ở Hà Nội dao động trong khoảng 11.800-12.500 đồng/kg; miền Trung dao động từ 12.400-12.600 đồng/kg; ở TP.HCM từ 12.900-13.500 đồng/kg, riêng đường hạt to là từ 13.500-14.000 đồng/kg.

VSSA nhận định nguyên nhân đường trong nước không biến động là vì đường Thái Lan nhập lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ Việt Nam có vẻ chậm lại và nguyên nhân có thể một phần do nhu cầu không tăng nhưng phần lớn chuyên gia đánh giá là do đường lậu hoạt động mạnh, nguồn cung và tồn trữ đường lậu dồi dào trên thị trường.

So với giá đường của các công ty đường Việt Nam đưa ra ở trên thì giá đường lậu Thái Lan tại cùng thời điểm ở một số tỉnh thành gồm TP.HCM thấp hơn, dao động trong khoảng 11.600-11.900 đồng/kg, các thành phố, thị xã miền Trung trong khoảng 11.500 -11.700 đồng/kg, Hà Nội và các tỉnh xung quanh trong khoảng 11.500-11.700 đồng/kg.

“Hiện nay đường lậu bán khắp các tỉnh thành và nông thôn trong cả nước chứ không như trước đây chỉ một số tỉnh thành thuận lợi cho đường lậu. Người dân còn phát hiện các vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận đường lậu được các xe tải nhỏ chở đi bán khắp nơi như các xe bán trái cây” - VSSA thông tin.

Tác động của đường lậu, cũng như những khó khăn gặp phải khi hàng rào thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/1/2020, dự báo ngành sản xuất mía đường trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để duy trì sản xuất, VSSA đã khuyến cáo các nhà máy đường cân đối đưa ra giá mua mía niên vụ 2019/2020 bảo đảm cho người nông dân có thể sống được với cây mía.

Lê Phan

Bình luận

Nổi bật

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2024

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:05

(CL&CS) - Mới đây, Bộ Công Thương ban hành văn bản về việc gửi hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:03

(CL&CS)- Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Trong đó, TP Hà Nội tiếp tục đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:57

(CL&CS) - Song song với việc hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu suất, nâng tầm chất lượng sản phẩm thì việc mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản cũng được ngành Khoa học và Công nghệ quan tâm đồng hành. Tận dụng làn sóng công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngày 09/5/2024, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đông tổ chức lớp tập huấn “Hỗ trợ hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và CMCN 4.0 để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm trên môi trường mạng”.